Xuân đã về...

10:02, 13/02/2015
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Xuân đã về trên khắp mọi miền. Lòng người nô nức đón chào Xuân. Tất cả đều trong tâm thế háo hức chuẩn bị chào đón giờ khắc giao thừa, chào đón Tết cổ truyền của dân tộc với bao ước vọng.   

TIN LIÊN QUAN

1. Trời nắng nhẹ. Gió Xuân thoang thoảng. Lòng người như đắm say với bao cảnh đẹp của mùa Xuân. Hoa cúc, hoa mai, hoa lan, hoa vạn thọ… trăm hoa khoe sắc thắm. Đi trên khắp các nẻo đường, đâu đâu cũng nghe mùi bánh mứt. Nhất là mùi gừng cay dìu dịu, quen thuộc mỗi khi Tết đến Xuân về.  
 

 

Khách chọn mua hoa lan về chưng trong dịp Tết
Khách chọn mua hoa lan về chưng trong dịp Tết


Ai cũng bảo: “Ngày giáp Tết sao trôi qua mau”. Thời gian trôi-qua-mau trong cảm nhận của mỗi người cũng phải, bởi người người, nhà nhà đều tất bật chuẩn bị đón Tết. Người thì sửa sang, vệ sinh lại nhà cửa, đường làng ngõ xóm, người đi mua sắm cho ngày Tết thêm đủ đầy. Từ làng quê cho đến phố thị, xe cộ tấp nập, cờ hoa rực rỡ. Dẫu nhịp sống hiện đại khiến người ta bận rộn hơn, nhưng ai cũng sắp xếp thời gian để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Sau một hồi dạo chợ hoa, ông Lê Mau (70 tuổi, ở tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) quyết định chọn mua một chậu lan ưng ý nhất. Ông bảo, ngày Tết trong nhà phải có hoa để năm mới  thêm lạc quan và tràn đầy hy vọng. Gì thì gì chứ ngày Tết ở nhà ông việc đơm quả tử, sửa sang lại bàn thờ để cúng gia tiên phải hết sức kỹ lưỡng.  Và, nồi bánh chưng, bánh tét nhất định phải có. Ba đứa con đều đã lập gia đình và sống xa quê, thế nên năm nay 29 tháng Chạp nhà ông Mau mới gói bánh. Hạnh phúc nào bằng khi cháu con quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét với ánh lửa bập bùng trong không khí của mùa Xuân. “Ngày Tết con cháu quây quần gói bánh cho có tình cảm, cho nhớ đến truyền thống của cha ông”, ông Mau cười nói.

2. Mùa Xuân là mùa của yêu thương, sẻ chia và hy vọng. Truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Lá lành đùm lá rách” đã ăn sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Khi Tết đến Xuân về, người người lại sẻ chia cho nhau những món quà ấm áp nghĩa tình. Bớt chút thời gian của những ngày cuối năm, người lên vùng cao, người ra biển đảo để tặng quà Tết. Cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể, các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh cho đến cơ sở đều tổ chức đi thăm và tặng quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Chỉ tính riêng từ Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã trao tặng gần 21.000 suất quà Tết cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng.

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là thế đấy! Từ tấm bé, mọi người đã được học câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” và được nghe kể về truyền thống đoàn kết của cha ông từ thời mở cõi. Mặc cho màn đêm buông xuống, trời tối mịt, chúng tôi cùng với anh Bùi Đức Thọ-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vẫn tiếp tục hành trình mang quà Tết đến với trẻ em nghèo. Ba mẹ con em Phạm Thị Dung vẫn ngồi đợi ở Trường THCS Đức Chánh. Hành trình trao quà Tết cho trẻ em nghèo do Báo Quảng Ngãi phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức đi khắp các địa phương trong tỉnh nên mãi đến tối chúng tôi mới đến được nơi hẹn mẹ con em Dung.

Cầm trên tay món quà đầy tình nghĩa, Dung nghẹn ngào: “Con sẽ cố gắng học để không phụ lòng cô chú”. Dẫu cuộc sống thiếu thốn đủ bề, ba mẹ con dựng tạm chiếc lều sống cạnh một ngôi đền, thế nhưng chị em Dung vẫn không ngừng nỗ lực học tập. Dung đang học lớp 9, Trường THCS Đức Chánh. Năm nào cô bé cũng là học sinh xuất sắc. Thầy giáo Trịnh Minh Trường-Hiệu trưởng Trường THCS Đức Chánh căn dặn: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no các em à. Các em phải phấn đấu học, chỉ có học mới giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

TP.Quảng Ngãi vào Xuân.
TP.Quảng Ngãi vào Xuân.


3. Ngày Tết luôn để lại trong ký ức của mỗi người với những tình cảm tốt đẹp nhất. Ngày cuối năm, mạn đàm cùng các bậc cao niên về ngày Tết, ai cũng vui vì nét đẹp truyền thống của ông cha ta ngày xưa nay vẫn được gìn giữ. Ông Đồng Trinh Huy (78 tuổi, ở tổ 12, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) bảo rằng, cứ ngày Tết con cháu lại quây quần đông đủ, đứa nào cũng mừng vì ông bà khỏe mạnh. Già, trẻ, lớn, bé đều chúc nhau năm mới sức khỏe và làm ăn tiến tới. Trẻ con thì chăm ngoan, học giỏi.

Nói đến ngày Tết, ông Huy miệng ngâm nga: “Ba mươi, mồng một dựng nêu/Ông trùm đánh mõ miệng kêu bớ làng”. Thì ra ngày xưa nhà nhà dựng nêu để báo hiệu Tết đến Xuân về. Ông trùm tức người phụ trách công tác tuyên truyền đi khắp làng trên xóm dưới nhắc nhở bà con dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, xóm làng… để đón Tết. Giờ thì thay cho cây nêu là những chậu hoa rực rỡ sắc màu. Nhà nào cũng chọn mua chậu hoa đẹp để chưng trong ngày Tết.


Những ngày này, thay vì không có ông trùm như xưa thì loa phát thanh, xe tuyên truyền lưu động đi khắp các địa phương nhắc nhở bà con vệ sinh đường làng ngõ xóm, vệ sinh môi trường, tô đẹp cho phố phường, làng xóm, chấp hành trật tự an toàn giao thông…  Xuân đã về. Tết thì đang đến rất gần. Lòng người hòa theo hương sắc của mùa Xuân với ước vọng năm mới bình an, hạnh phúc!
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 

.