(Baoquangngai.vn)- Khi chợ hoa xuân ở đường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) nhộn nhịp đón khách thì đó cũng là lúc những ông đồ trẻ vào mùa cho chữ. Kết hợp với các họa sĩ vẽ tranh, các đơn vi thiết kế không gian nhà ở, hay vẽ chữ trên quả… đó là những hình thức mới mà các ông đồ trẻ thường mưu sinh trong mùa Tết năm nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tục cho chữ đầu năm, viết thư pháp đã trở thành một nét đẹp đặc trưng trong văn hóa người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về. Ngày nay, trong nhịp sống đương đại, cho chữ còn là một công việc để nhiều người trẻ mưu sinh.
Viết thư pháp để chơi, để cho hay để bán đều đòi hỏi niềm đam mê, sáng tạo của người nghệ nhân mà nhiều người hay gọi là ông đồ.
Kết hợp để… kinh doanh
Nằm ở một góc nhỏ trong chợ hoa xuân, gian hàng thư pháp của ông đồ trẻ Lê Đức, 27 tuổi, ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh thu hút nhiều người đến tham quan, xin chữ về trưng Tết.
Ông đồ Đức từng có nhiều năm gắn bó với công việc này. Năm nào cũng vậy, tranh thủ những ngày cuối năm, ông lại mang giấy bút ra khu vục chợ hoa để cho chữ.
Năm nay, ông đồ trẻ này quyết định kết hợp với phòng tranh Trường Tiền của chị Nguyễn Thị Thu Hắng, 26 tuổi, ở đường Quang Trung, thuê một không nhỏ tại hội chợ nên có một chỗ thỏa mái hơn khi “hành nghề” mà không cần phải di chuyển nhiều.
![]() |
Ông đồ Lê Đức cho chữ ngày xuân. |
“Thư pháp và tranh vẽ tuy khác nhưng lại có nét có nét tương đồng với nhau. Mình kết hợp với chị Hằng để người dân, du khách vừa có thể đến tham quan, ngắm tranh, vừa có thể thưởng thức được những tác phẩm thư pháp. Sau đó, mọi người sẽ có sự lựa chọn cho phù hợp với không gian nhà ở”, Đức chia sẻ.
Ở chỗ các bạn, không chỉ có ông đồ cho chữ đẹp mà còn có cả cách phục vụ tốt nhất. Chị Hằng và anh Đức còn kết hợp với một nhân viên thiết kế, chuyên thiết kế không giam cho nhà ở để tư vấn cho khách về những ý tưởng trang trí, đặt tranh ở trong nhà cho hợp lý.
![]() |
Kết hợp với họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Thu Hằng gian hàng thư pháp của ông đồ Đức thu hút nhiều du khách, người dân đến tham quan, thưởng thức các tác phẩm. |
,
Việc kết hợp giữa ông đồ với phòng tranh cũng như đơn vị thiết kế thi công đã mang đến sự thuận tiện cho khách, với nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Ý tưởng này đã mang đến cho các bạn một thu nhập kha khá trong dịp Tết. Trung bình mỗi dịp Tết, cả hai cho “ra lò” hàng trăm tác phẩm đẹp với nhiều chủ đề khác nhau, tạo được ấn tượng với khách hàng.
Vẽ thư pháp trên trái cây
Phần lớn những ông đồ mưu sinh ở chợ hoa xuân đều là những ông đồ trẻ đã tốt nghiệp hoặc đang là sinh viên tại các trường đại học kiến trúc ở các thành phố lớn, từng tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm, hội thư pháp.
Có sẵn một nền tảng kiển thức, cộng với năng khiếu của bản thân, niềm đam mê, các bạn mạnh dạn tham gia hội chợ, mang những nét chữ quí đến người dân quê hương.
Em Nguyễn Việt Hiệp, 25 tuổi, sinh viên trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng, quê ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành là một trong những người như thế.
Dù còn là sinh viên nhưng em đã tham gia hội chợ được 3 năm. Không cho chữ như Đức, em mưu sinh bằng cách vẽ thư pháp trên quả, đĩa đá…
![]() |
Nguyễn Việt Hiệp với công việc cho chữ trên bưởi Tiến Vua. |
Đây là một nghề mới của các ông đồ trong những năm trở lại đây. Nếu tranh thư pháp có giá cả cao, thấp nhất từ 700 nghìn đồng một bức, cao nhất đến vài triệu, tùy theo chất liệu, kích thước... Còn với cho chữ trên quả, khách hàng dễ dàng tiếp cận gần hơn với thư pháp.
Mỗi nay, Hiệp nhập về 100 quả bưởi Tiến Vua. Một ngày vẽ được 20 quả. Một quả được bán với giá 200 nghìn, nhận tiền công của khách khoảng 50 nghìn đồng.
“Ba mẹ ở quê, hoàn cảnh khó khăn, lo cho con cái đi học rất vất vả. Do vậy, công việc này mang lại cho em một thu nhập kha khá khi Tết đến, xuân về. Số tiền kiếm được em dành một ít gửi tặng ba mẹ sắm Tết. Một ít dành để riêng qua Tết nộp học phí”, Hiệp chia sẻ thêm.
![]() |
Cho chữ trên trái cây là nghề mới trong những năm trở lại đây, thu hút nhiều ông đồ trẻ. |
Tết đến, xuân về, nội dung các bức tranh thư pháp cũng như các chữ vẽ trên quả bưởi, dưa hấu mà các ông đồ thực hiện thường là những lời chúc an lành, những câu nói tình nghĩa về quan hệ cha mẹ- con cái, vợ- chồng, thầy- trò… Bên cạnh đó là các con chữ thể hiện phúc, tài, lộc.
Ngày nay, thư pháp tuy không còn là món quà Tết thiết yếu như năm xưa nhưng với những người thích sống hoài niệm, có một câu đối đỏ treo nhà trong ngày Tết, một chữ thư pháp trên quả bưởi, quả dưa hấu đơm quả tử trên bàn thờ cũng đủ thấy mùa xuân về.
Không chỉ mưu sinh, các ông đồ trẻ đã góp phần mang đến không khí cho mùa xuân, giữ ghìn được cái nghề “muôn năm cũ”.
Bài, ảnh: Thiên Hậu