Tiễn ông Táo về trời

05:01, 31/01/2016
.
0:00
0:00

(Baoquangngai.vn)- Tết ông Công ông Táo từ xa xưa đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc ăn sâu vào trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Cứ đêm 22 đến trưa sáng 23 tháng Chạp, nhà nhà lại làm lễ tiễn Táo Quân về chầu trời.

TIN LIÊN QUAN

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tục lệ cúng ông Táo hay Táo Quân bắt nguồn truyền thuyết được truyền khẩu do đó có những sự khác nhau về tình tiết.
 
Có truyền thuyết kể rằng: Xưa có hai vợ chồng nghèo ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, người chồng giận quá, đánh vợ, người vợ bỏ nhà ra đi sau đó gặp người đàn ông khác rồi nên duyên vợ chồng. 
 
Người chồng cũ vẫn nghèo khó. Trong một lần đi xin ăn, tình cờ gặp lại vợ cũ, hai người nhận ra nhau. Người vợ đưa chồng cũ về nhà và hậu đãi. Đúng lúc đó, người chồng mới về bắt gặp và sinh lòng nghi ngờ. 
 
Người vợ uất ức đâm đầu vào đống lửa chết, người chồng cũ cảm thương chết theo. Người chồng sau cũng nhảy vào lửa chết. Ngọc Hoàng cảm kích phong cho ba người làm Táo quân- Vua Bếp. 

 

Sự tích ông Táo
Theo quan niệm của người Việt, ông Táo tượng trưng cho "chiếc kiềng 3 chân". Ảnh internet.
 
Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng với hi vọng sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Phong tục thờ cúng Táo Công cũng từ đấy mà có.
 
Vì thế mà theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng cho "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp. Người Việt quan niệm, 3 vị Thần Táo ban phước đức cho gia đình, Táo Quân quanh ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện từ bé đến lớn.
 
Và đêm 22 đến trưa 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo chuyện bếp núc, mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến Giao thừa, Táo quân lại cưỡi cá chép trở lại hạ giới để tiếp tục công việc giữ bếp của mình.
 
Với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm cứ vào ngày này, nhà nhà thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân về trời, để báo cáo những công việc mà một năm qua gia đình đã làm được và cầu mong cho một năm mới an lành, gặp nhiều may mắn.
 

 

Vào ngày này, các trại nôi cá giống lại thu hoạch cá chép bán lễ tiễn ông Táp.
Vào ngày này, các trại nuôi cá giống lại thu hoạch cá chép để bán phục vụ lễ tiễn ông Táo.
 
Phong tục cúng ông Táo, tiễn ông Táo về trời là một trong những phong tục truyền thống lâu đời nhất của người Việt, bất cứ gia đình nào cũng không thể bỏ qua để tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc với Thần Bếp.
 
Việc cúng tiễn ông Táo về trời sau một năm canh giữ nhà cửa, bếp núc cho gia chủ được thực hiện theo các nghi thức khác nhau ở từng vùng miền. 
 
Vào ngày này, những gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà và ba con cá chép để cúng làm phương tiện cho ba Táo cưỡi về chầu trời và thường sửa soạn một không gian thờ cúng ông Công ông Táo thật sự tươm tất, bao gồm một mâm cỗ cúng đầy đủ các món.
 
Với người dân Miền Trung thường đơn giản hơn, thường lễ cúng là hoa, quả, trầu cau, bánh truyền thống, đồ cúng lễ, nhưng nhất quyết không thể thiếu được con cá chép. Nếu không có cá chép sống thì mọi người chọn cá chép giấy.
 
Sau khi cúng  xong, các gia đình đều đem cá chép sống ra sông hay ra ao hồ để thả, còn cá chép giấy thì đốt, ngụ ý, cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời. Trong tâm thức của người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn biểu tượng của tinh thần vượt khó, cho nhân cách thanh cao, cho sự an lành và sung túc, thịnh vượng. 
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.