(Báo Quảng Ngãi)- Giữa chốn đại ngàn, đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa như giữ “linh hồn” của dân tộc mình. Từ nếp nhà sàn đến lời ca, điệu vũ, trang phục và những tập tục của dân tộc... được người Cor, Hrê, Ca Dong lưu giữ để không bị hòa lẫn, hòa tan trong nhịp sống đương đại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trách nhiệm của đời sau
Chúng tôi đến thăm nhà “mế Non”- cái tên thân mật mà đồng bào dân tộc Cor ở phố núi Trà Xuân (Trà Bồng) vẫn thường gọi bà Hồ Thị Non–người đã hơn nửa đời người gắn bó với công việc chế tác trang sức cho phụ nữ Cor. Mọi người như hiểu rõ lòng mế vì cả đời bà vất vả để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
![]() |
Cây gu và biểu tượng chim đại bàng trong nhà sàn của người Cor ở Trà Bồng. |
Trong ngôi nhà của mình, mế Non dành hẳn một căn phòng để làm đồ trang sức. Bộ trang sức của phụ nữ Cor do các loại hạt cườm đủ màu sắc kết lại mà thành. Nhưng phải làm sao để cườm kết thật chặt, thật đều... thì theo mế Non, người yêu nghề theo học tầm 4 năm mới có thể thành thục. “Mỗi năm, một người lành nghề lắm cũng chỉ có thể chế tác ra được 1 bộ trang sức của phụ nữ Cor gồm tua lưng, đầu, cổ… Mất nhiều thời gian, tâm huyết lắm, nhưng vẫn cố gắng làm để giữ truyền thống của người Cor mình”, mế Non bộc bạch.
![]() |
Người lớn tuổi truyền lại nghề làm đồ trang sức phụ nữ Cor cho phụ nữ trẻ tuổi. |
Nghệ thuật điêu khắc cây nêu, cây gu; các làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật cồng chiêng… đã làm nên nét đẹp văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc thiếu số ở vùng cao Quảng Ngãi. Điệu hát xà ru trong sáng, mượt mà, điệu a giới đối đáp ngọt ngào, điệu a lát tươi vui… cứ thế vút cao giữa chốn đại ngàn. |
Không chỉ có phụ nữ người Cor ở Trà Bồng, mà ở huyện Tây Trà, Bắc Trà My (Quảng Nam)… cũng lặn lội tìm đến mế Non để đặt hàng làm đồ trang sức. Vừa tất bật lo chế tác, mế Non vừa nhiệt tình truyền lại nghề cho thế hệ trẻ trong thôn. Nhờ sự tận tâm của mế mà giờ ở thị trấn Trà Xuân có gần 10 chị em phụ nữ chế tác trang sức thành thục. Chị Hồ Thị Tâm, theo học mế Non được 4 năm, chia sẻ: “Giờ mình đã có thể tự hoàn thành một bộ trang sức của phụ nữ Cor. Muốn giữ lấy nghề phải chịu khó, kiên nhẫn”.
Trong dòng chảy của nhịp sống đương đại, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tiếp thu nét văn hóa mới, song vẫn giữ gìn bản sắc của dân tộc. Ché rượu cần ngày Tết vẫn là loại thức uống linh thiêng được đồng bào các dân tộc thiểu số kính cẩn dâng lên tổ tiên. Già Phạm Văn Chúp, thôn Nước Như, xã Ba Xa (Ba Tơ) lâu nay lưu giữ chiếc ché rượu cần loại 6 “tai” như của quý. Theo lời già Chúp, đây là ché cổ, đáng giá bằng cả con trâu. “Ché tốt thì giữ được rượu cần lâu. Người ta gạ mua nhưng mình không bán vì là tài sản cha ông để lại”, già Chúp nói.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
![]() |
Tây Trà đưa trang phục truyền thống của người Cor làm đồng phục học sinh. |
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao đã và đang cố gắng để gìn giữ nếp xưa. Trang phục truyền thống đối với mỗi đồng bào các dân tộc thiểu số là nét đẹp văn hóa không thể pha lẫn. Ngành giáo dục huyện Tây Trà đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ thông qua việc đưa trang phục truyền thống của dân tộc Cor trở thành đồng phục học sinh. Ông Phạm Sơn-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà phấn khởi cho biết: “Sau khi Trường THCS dân tộc nội trú Tây Trà khuyến khích, động viên học sinh người dân tộc Cor mặc trang phục truyền thống đến trường, phong trào đã lan tỏa ra các điểm trường khác trên địa bàn huyện. Phụ huynh và học sinh tích cực hưởng ứng, điều đó có thể cho thấy tinh thần tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc luôn sẵn có trong cộng đồng người Cor ở Tây Trà”.
Còn tại huyện Trà Bồng, đến nay đã 7 năm thực hiện đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chính quyền và nhân dân địa phương cùng góp sức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống từ việc gìn giữ nếp nhà sàn, phục dựng các lễ hội như lễ đâm trâu, mừng lúa mới, truyền dạy nghệ thuật dân gian. Ông Nguyễn Xuân Bắc-Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng khẳng định: “Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đã khơi dậy ý thức tự tôn dân tộc của cộng đồng người Cor, làm cho họ thấy được trách nhiệm phải giữ gìn tài sản quý mà cha ông để lại”.
![]() |
Ruộng bậc thang ở xã Ba Ngạc (Ba Tơ). Ảnh: TRỊNH NHÂN HIẾU |
Ý THU - ĐÌNH DIỆU