Không khí những ngày giáp Tết đã tràn ngập trên khắp các con phố, len lỏi vào từng con người, từng gia đình. Với cái lạnh rét tê tái, nhưng chắc chắn sẽ không thiếu những buổi vui chơi thâu đêm suốt sáng, những cuộc thăm viếng trong dịp Tết dễ làm chúng ta kiệt sức vì mệt mỏi. Để hưởng một cái Tết trọn vẹn, chúng ta cũng cần giữ gìn sức khỏe thật tốt.
1. Điều độ trong sinh hoạt
Trước tiên là bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, điều độ. Không nên thức quá khuya, nhất là những người cao huyết áp, bệnh tim mạch. Tranh thủ nghỉ trưa tối thiểu 30 phút hàng ngày. Để tránh cơn buồn ngủ đến không đúng lúc, trước khi đi chơi, bạn dùng một tách cafe hoặc uống một cốc nước pha viên vitamin C sủi.
Tránh ngủ nướng những ngày Tết, chúng ta nên tập thể dục hàng sáng. Bạn muốn cho bộ máy tiêu hoá làm việc tốt hãy tham khảo bài tập đơn giản sau:
- Xoa vào bụng theo chiều kim đồng hồ. Ban đầu ấn nhẹ, sau mạnh dần. Chú ý không làm quá đau.
- Một số động tác Yoga cũng giúp tiêu hoá tốt: đứng, chân rộng bằng vai, nghiêng người về phía trước, hai tay chống đùi, cơ bụng co lại.
2. Ăn uống có chừng mực
Ăn uống vửa phải, không quá no. Những loại thức ăn nhiều chất béo như thịt ba rọi, bánh tét nhân mỡ, lạp xưởng nên hạn chế, và ăn kèm với thực phẩm lên men như dưa cải, kim chi nhằm tăng khả năng tiêu hoá nhờ sự hoạt động của các loại men vi sinh. Thực phẩm để quá 6 giờ đều phải hâm nóng lại. Tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến.
Những bữa cỗ quá no sẽ làm bạn khó tiêu, đầy bụng. Hãy làm theo cách sau: uống nước hãm của hoa cúc cam, hoa artiso, húng tây, thìa là sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hoá thức ăn. Bạn có thể dùng một chiếc khăn bông gập làm bốn, nhúng vào nước nóng rồi vắt khô để đắp lên lồng ngực. Nếu có túi chườm càng tốt. Chườm nóng trong nửa giờ, bạn sẽ dễ chịu ngay lập tức.
3. Uống rượu vừa phải, nên uống nhiều nước
Thật khó có thể kiểm soát được mình trong những cuộc vui ngày Tết nhưng sức khoẻ là vàng ngọc, bạn hãy hạn chế tửu lượng trong bữa nhậu vì những cuộc vui quá chén sẽ làm bạn mệt đến hôm sau, và khi uống quá nhiều, rượu lại ức chế thần kinh, khiến người uống không kiểm soát được lời nói, hành vi, đâm ra mất vui. Khi nhậu nhẹt say xỉn, bạn sẽ rất nguy hiểm khi đi lại. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ran, tốt nhất chỉ nên uống chút sâm-panh hoặc rượu vang khai vị để kích thích tiêu hoá. Bữa tối, không nên dùng rượu sâm- panh, hãy uống nước hoặc nước quả cho dễ ngủ.
Muốn uống rượu không bị say, hãy uống một thìa dầm ôliu trước đó. Nó có tác dụng hạn chế quá trình ngấm rượu quá nhanh vào máu. Tuyệt đối không được uống rượu khi đói vì khi đó rượu sẽ kích thích lớp màng dạ dày. Nên ăn lót dạ một chút trước khi uống vì rượu sẽ dễ làm bụng bạn cồn cào.
Ngày thường bạn đã được khuyên uống tám ly nước mỗi ngày. Vào ngày tết bạn càng phải lưu ý hơn đến điều này vì thông thường trong những bữa ăn ngày tết, bạn uống nước ngọt hoặc bia nhiều hơn nước lọc. Những thức uống đó và một số thức khác như rượu, trà, cà phê thực chất chỉ giúp bạn giải khát chứ không thể bổ sung nước cho cơ thể tốt bằng nước lọc. Hãy cố gắng uống nhiều nước lọc trong ngày, vì nếu bị thiếu nước cơ thể sẽ gửi đi tín hiệu khiến bạn ăn nhiều hơn để bù vào lượng nước đó.
4. Không hoạt động quá nhiều
Trạng thái thần kinh căng thẳng, dễ bị kích thích gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hoá với các triệu chứng: co thắt, nôn mửa, trướng bụng. Nếu bạn có ý định làm cỗ mời khách đêm giao thừa hoặc trong ngày Tết, hãy phân bổ công việc hợp lý để các thành viên trong gia đình giúp bạn một tay. Không nên đãi các món quá cầu kỳ. Trước khi tiếp khách, dành 10 phút để nằm nghỉ, hít thở sâu và thư giãn cơ bắp.
5. Chọn trang phục thích hợp
Trong những ngày này, nên chọn trang phục bạn cảm thấy mặc thoải mái, dễ chịu nhất. Không nên mặc đồ bó hoặc thắt lưng quá chật.
Thời tiết ở miền Bắc đang rét đậm, rét hại, chúng ta nên chuẩn bị cho mình những quần áo thật ấm, để đảm bảo những ngày Tết vừa ấm áp vừa thời trang.
6. Phòng bệnh cho trẻ em
Đối với trẻ em chú ý các bệnh dễ mắc bệnh trong thời gian này như sốt xuất huyết, viêm phổi, tiêu chảy, trái rạ, rubella .Sốt xuất huyết (SXH) xảy ra quanh năm. Nếu em bé sốt liên tục trên 2 ngày thì phải đến bệnh viện để khám.
Bệnh tiêu chảy và ngộ độc thức ăn cũng hay xảy ra vào mùa tết. Chúng ta nên cho trẻ uống nhiều nước khi thấy trẻ ói hoạc tiêu chảy. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu. Trẻ tiêu chảy sẽ mất nước như cây xanh đang khát, vì vậy cho trẻ uống nhiều nước như đang tưới cây vậy, càng nhiều nước càng tốt. Trong mùa này nếu trẻ tiêu chảy kèm theo nổi mục nước ở bàn tay, bàn chân, trong miệng, lưỡi thì phải chú ý bệnh tay chân miệng, là bệnh có thể gây biến chứng viêm não, rất nguy hiểm.
Một số tai nạn cũng hay gặp ở trẻ khi chúng ta bất cẩn thiếu chú ý trong lúc trẻ chơi đùa, chạy giỡn như sặc thức ăn, phỏng, điện giật, té mương .Nếu có tai nạn xảy ra thì việc cấp cứu tại chỗ là rất quan trọng. Dùng phương pháp: Vỗ-Lưng-Ấn-Ngực nếu thấy trẻ đang ăn đột nhiên bị tím tái khó thở, ho sặc sụa. Chúng ta nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc đầu gối của mình và vỗ lưng thật mạnh ngay sau hai xương bả vai 5 cái để dị vật văng ra ngoài, sau đó lật ngữa trẻ lên ấn vào ngực trẻ 5 cái. Lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ hết khó thở. Trong trường hợp trẻ bị ngưng thở, ngưng tim (do điện giật, chết đuối, té bất tỉnh) thì nhanh chóng hà hơi thổi ngạt. Người cấp cứu thổi vào miệng trẻ thật mạnh làm lồng ngực phồng lên, sau đó dùng tay ấn vùng tim ( trên xương ức). Làm theo tần xuất một lần thổi miệng, 5 lần ấn tim. Làm kéo dài cho đến khi trẻ tự thở được và tim đập lại mời ngừng.
Sức khỏe là vốn quí giá trong mỗi chúng ta. Bởi thế hãy làm theo những lời khuyên trên để đảm bảo có một cái Tết thực sự trọn vẹn bên người thân cũng như bạn bè.
Chúc các bạn một cái Tết tràn ngập niềm vui!
Theo_VnMedia