Tản mạn về bánh ngày Tết

10:02, 07/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi sống với nhiều tập thể thời đi học rồi những năm đi lính nên hay để ý về các loại bánh mà anh em mang lên lớp học hoặc đơn vị bộ đội sau mỗi dịp về quê đón Tết. Mỗi loại bánh nó thể hiện bản tính của người dân ở vùng đất đó. Ví dụ như bánh nổ quê mình, nhìn cái bánh đã thấy cả một sự cẩn thận và khéo léo của người làm ra nó.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều tỉnh cũng có bánh nổ nhưng bánh nổ ở Quảng Ngãi, tôi thấy vừa đẹp lại vừa ngon. Nó không được làm một cách hời hợt như một vài địa phương khác, nghĩa là họ cũng thắng đường lên, trộn với nổ được rang từ nếp rồi “ịn” lại như thể “ịn” trong cái chén, trông vừa thô lậu lại vừa mau hỏng. Hay như bánh in cũng vậy. Xem cái khuôn để đúc bánh in với những đường chạm trổ tài hoa trong khuôn của anh thợ mộc đủ thấy sự công phu, tỉ mẩn của người Quảng Ngãi.

 Làm bánh nổ ngày Tết.              Ảnh: Internet
Làm bánh nổ ngày Tết. Ảnh: Internet


Bây giờ kẹo bánh công nghiệp quá nhiều, lại rẻ nữa nên thay vì làm bánh Tết như các bà, các mẹ ngày xưa, phụ nữ ngày nay chọn cách đi siêu thị cho nhanh, còn thời gian để làm việc khác. Điều này cũng thật thuận tiện, tiết kiệm được thời gian, công sức nhưng nó mất đi một tập tục thật đẹp tự ngàn xưa. Làm bánh Tết đâu chỉ để cúng rồi ăn, nó gói ghém trong đó cả một truyền thống văn hóa nghìn đời nữa. Người mẹ vừa làm bánh nhưng vừa nói với đứa con ngồi bên về lịch sử của nó nữa. Mỗi câu chuyện mà người mẹ hay kể với con mình bên các nồi bánh Tết đều ẩn giấu bên trong những điều răn dạy, về cách đối nhân xử thế ở đời.

Lứa tuổi của chúng tôi ngày xưa rất háo hức mong tới Tết ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch, khi những luống hoa vạn thọ bắt đầu cho nụ. Đợi đến rằm trở đi, những người bà, người mẹ trong mỗi gia đình bắt đầu rục rịch làm bánh Tết. Trẻ con đứng chầu rìa chỉ để sai vặt đi lấy cái muỗng hoặc cái thau hay mang thêm vài cây củi cho thêm vào bếp, nhưng đó là cả một niềm vui sướng để được sai. Chỉ mong sao mẹ đổ chiếc bánh thuẫn ấy nó không nở mà nó “thầy tu” để được hưởng xái! Bánh Tết quê mình thì nhiều, xin được kể sau đây loại bánh nổ.

Bánh nổ là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết ở quê ta ngày xưa. Lúa nếp rang lên rồi nhặt hết vỏ trấu, chỉ còn hạt nổ, trộn với đường thủ công, cho vào khuôn, dùng vồ nện cho thật chặt. Cứ cho vài chén nổ vào khuôn là nện một lần, chừng nào đầy khuôn, lèn không được nữa thì gỡ khuôn ra, sẽ có một cây bánh nổ. Khi cúng, bánh được cắt ra từng lát mỏng, vừa thơm, vừa giòn.

Bánh nổ là một loại lương khô mà các hùng binh Hoàng Sa khi xưa vẫn mang theo trong buổi lễ khao lề sau Tết Âm lịch. Tôi biết chuyện này sau khi chứng kiến các lễ vật mà những người phụ nữ Lý Sơn bày trên bàn cúng các hùng binh Hoàng Sa. Các chị ấy nói rằng ngày xưa các cụ mang theo bánh gì thì nay mình cúng bánh ấy. Hèn gì có những loại bánh cúng các cụ nhân lễ khao lề, tôi chưa từng thấy bao giờ.

Một lần chứng kiến các chị, các mẹ ở Lý Sơn làm bánh nổ để cúng hùng binh Hoàng Sa, một anh thanh niên đang làm ăn khá giả trong Sài Gòn về quê đón Tết, bĩu môi: “Các bà dư công quá hể! Bỏ mấy trăm ngàn gửi tàu vô Quảng Ngãi, mua bánh gì chẳng có mà làm bánh nổ chi cho cực vậy cà? Mà bây giờ, ai còn ăn ba cái thứ bánh nổ này nữa mà làm kia chớ!”. Anh thanh niên đang “nổ” rầm trời về các loại bánh xịn mà không biết rằng, các bà, các mẹ làm bánh nổ đâu phải chỉ để ăn mà còn là để nhắc cho con cháu nhớ về một quá khứ giong buồm mở cõi và giữ đất của ông bà mình nữa!


Trong trường hợp này, chiếc bánh nổ đã lưu giữ một câu chuyện về lịch sử của cha ông mà những người vô tâm như anh thanh niên kia không biết. Đáng trách thay!

Phạm Đương

 


.