*Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Sự tàn phá các dòng sông mang lại sự hủy hoại về nhiều mặt đời sống của nhân loại. Không biết trong lịch sử cổ đại đã có những thời kỳ nào mà các dòng sông bị tàn phá như hiện nay? Bây giờ nhìn các dòng sông sao thấy quá mong manh. Người Việt là dân tộc thiết tha với sông nước, gắn bó với những dòng sông kênh rạch từ thuở mới chào đời.
Bây giờ, sự liên kết ấy đang bị chia lìa bởi những dòng sông cạn nước những dòng sông ô nhiễm. Chợt nhớ Bích Khê:
“Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc
Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” (“Làng em”-Bích Khê)
Ngày Bích Khê viết bài thơ này đã cách đây hơn 70 năm. Dòng sông mà Bích Khê viết trong bài thơ là sông Trà, ngày ấy còn đầy ắp nước. Xanh biếc. Lộ đáy sông màu cát trắng tinh khiết. Bây giờ thì nước cạn cả mùa mưa, cát đáy sông bị xúc lên bán khiến lòng sông trơ ra, làm sao mà “lộ cái khuôn vàng” được! Tôi vừa dự đêm thơ nhạc tưởng niệm 70 năm ngày Bích Khê mất. Đời ông sau khi ông chết lại long đong hơn cả khi còn sống. Bích Khê thơ và đời long đong nhưng không hư mất. Sau đúng 60 năm, Bích Khê lại phục sinh, cả người và thơ.
Còn bây giờ, ông đã được khẳng định, được hiểu đúng cả thơ và người. Quyết liệt hiến mình cho Thơ, nhưng Bích Khê thật bình tĩnh. Ông biết kiên nhẫn, biết chờ đợi, biết khoan hòa ngay cả sau khi chết. Với Bích Khê, đúng là “tuổi chết nhiều hơn tuổi sống”, nhưng hóa ra, “tuổi chết” ấy lại giữ cho “tuổi sống” đẹp trọn vẹn. Cả thơ và người.
Tôi đã từng làm thơ ca ngợi những nhà thơ Nga chết trẻ, bây giờ nghĩ lại, Việt Nam mình cũng từng có một thế hệ nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng đã qua đời ở tuổi thanh xuân. Đó là vào thời kỳ văn học 1930-1945. Giống như Sergey Essenin, Bích Khê cũng có những bài thơ những câu thơ tuyệt hay về mùa thu, dù mùa thu nước Nga không hẳn giống mùa thu Việt Nam. Nhưng lá vàng thì giống, cũng một màu vàng dễ vỡ ấy.
Nhớ Bích Khê, thì lại nhớ người cháu ruột gọi Bích Khê bằng chú, đó là anh Lê Quốc Ân. Tôi thường nói với bạn bè: “Bích Khê ăn vào hậu vận (sau khi chết). Ông không vợ con, nhưng có một người cháu đã khiến ông nhẹ nhàng phục sinh, đó là anh Lê Quốc Ân.” Có thể anh Ân khá giả, có điều kiện kinh tế. Nhưng thiếu gì người còn giàu hơn, mà lại là con chứ không phải cháu, nhưng đã lo được gì cho bố mẹ mình? Sự tử tế có thể đến từ bất cứ đâu, không cần biết là con hay cháu. Nhắc về sự tử tế, lại nhớ cách đây mấy ngày, tôi từ Hà Nội bay về Đà Nẵng.
Nhà thơ Ngô Thế Oanh bạn tôi tiễn tôi tới tận quầy làm thủ tục lên máy bay của Hãng Việt Nam Airlines, do chân tôi yếu. Nhưng khi hai chúng tôi, đã cầm chắc… tuổi 70, bước tới quầy thủ tục, thì một cháu gái của Việt Nam Airlines đã nhẹ nhàng và lễ phép hỏi chúng tôi: “Hai bác làm thủ tục ạ?” Chúng tôi vâng. Thế là cháu gái nhẹ nhàng nói gì đó với những người đang xếp hàng, trong đó có cả khách Tây. Rất nhẹ nhàng, tất cả họ đã nhường cho hai chúng tôi làm thủ tục trước.
Phải thú thật, tôi rất cảm động vì cử chỉ này của hành khách, nhất là sự quan tâm chân tình của cháu gái nhân viên Việt Nam Airlines. Có thể cháu đã được “tập huấn” để đối xử như vậy với khách, nhưng cũng thiếu gì người học mãi có vào đâu, “rằng quen mất nết đi rồi” nên lại cứ “lối cũ ta về” khi ứng xử với khách hàng.
Văn minh thật khó, vì nếu thiếu sự tử tế, thì không bao giờ có văn minh. Các khẩu hiệu không làm nên thực chất, như chiếc áo không làm nên thầy tu. Nếu tử tế, người ta đã không tàn phá các dòng sông, như kiểu tàn phá sông Đồng Nai. Nếu tử tế, người ta đã để cho các nhà thơ trong sạch được sống yên ổn và sáng tác tự do. Nếu tử tế, người ta đã không nỡ bắt những người lao động nghèo, nhưng giáo viên khổ khi xin việc phải nộp tiền “lót tay” với số tiền nhiều khi lên tới mấy trăm triệu. Nếu tử tế…
Từ câu chuyện dòng sông cạn nước, tôi nghĩ nhiều đến nỗi cạn kiệt sự tử tế, cạn kiệt lòng nhân ái. Tiền thì ai cũng cần, nhưng đừng tham quá. Tham quá dẫn tới cạn kiệt tính người. Khi dòng sông cạn nước, biết lấy gì bù vào? Khi con người cạn lòng nhân, lấy gì bù đắp? Đâu có thể lấy tiền lấp kín cái khoảng rỗng mênh mông và lạnh lẽo kia?