Phát huy tính sáng tạo của đội ngũ trí thức

21:41, 26/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định, bằng hoạt động sáng tạo, đội ngũ trí thức đã có đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ trí thức phải năng động, sáng tạo và tiên phong.

Hướng về người bệnh

Bác sĩ Tô Kỳ Nam - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm là một trong những điển hình trong nghiên cứu khoa học. Năm 2021, ông đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 (2020 - 2021) với Giải pháp “Phẫu thuật xuyên đinh kín trên màn hình tăng sáng điều trị gãy kín xương cẳng tay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi”. Sáng kiến kinh nghiệm này được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo.

Sáng kiến của bác sĩ Tô Kỳ Nam được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 
Sáng kiến của bác sĩ Tô Kỳ Nam được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh triển khai kỹ thuật điều trị gãy xương cẳng tay bằng phương pháp xuyên đinh kín qua da trên màn hình tăng sáng. Phương pháp này khắc phục được nhiều nhược điểm của điều trị bó bột và phẫu thuật kết hợp xương mở. Máy C - Arm giúp cho phẫu thuật viên nhìn thấy rõ xương, đường gãy, mảnh gãy và các cấu trúc giải phẫu của xương, mặt khớp, kể cả các vị trí mà phẫu thuật mở cũng khó hoặc không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Quan sát trên màn tăng sáng giúp cho các thao tác kỹ thuật chính xác hơn như nắn xương mà không cần mở ổ gãy, kiểm soát tốt việc khoan xương, bắt đinh, vít...

Do nắn kín và xuyên đinh cố định xương gãy qua da nên không gây mất máu, không phá hủy mô mềm, màng xương như phẫu thuật mở, nên ổ gãy mau liền, không để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ, chức năng chi phục hồi sớm. Thời gian phẫu thuật được rút ngắn. Do không có vết mổ lớn nên giảm hẳn nguy cơ nhiễm khuẩn, người bệnh không phải dùng nhiều kháng sinh, thường được xuất viện sớm. Nhờ vậy, chi phí điều trị giảm rõ rệt, người bệnh không phải dùng thuốc nhiều. Thường tổng chi phí điều trị giảm 30% so với phẫu thuật mở.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bùi Thị Hạnh nhấn mạnh, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng vai trò tạo động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Trong đó, sự năng động, sáng tạo và tiên phong của đội ngũ trí thức trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, tỉnh ta cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ có môi trường làm việc thuận lợi. Từ đó, thúc đẩy đội ngũ trí thức đam mê nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
 
Chủ động lĩnh hội kiến thức

Kỹ sư Huỳnh Công Vĩnh, hiện công tác tại Phòng Kỹ thuật công nghệ, Ban nghiên cứu phát triển, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vinh dự là 1 trong 6 cá nhân được tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh” năm 2023 và đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam năm 2021.

Anh Vĩnh tốt nghiệp Trường Đại học (ĐH) Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Lọc hóa dầu năm 2002. Sau gần 5 năm công tác tại TP.Hồ Chí Minh, đến năm 2007, anh quyết định “đầu quân” vào BSR. Anh Vĩnh cho biết, tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ trong quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài đã giúp tôi tích lũy dần kinh nghiệm, kiến thức, từ đó có nhiều sáng kiến, đem lại hiệu quả cao trong công việc. 

Trong quá trình làm việc tại phân xưởng RFCC - đây được xem là trái tim của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, anh Vĩnh nhận thấy trong hoạt động sản xuất hằng ngày của phân xưởng cần bổ sung một lượng xúc tác mới tối thiểu nhằm duy trì hoạt tính, lượng tạp chất của xúc tác cân bằng trong hệ thống. Bên cạnh việc bổ sung xúc tác mới, phân xưởng còn sử dụng xúc tác cân bằng gọi là “Flushing E-cat”, nhằm mục đích pha loãng hàm lượng tạp chất để tránh hiện tượng ngộ độc làm giảm hoạt tính của xúc tác và ảnh hưởng đến tính giả lỏng của xúc tác cân bằng trong hệ thống. Xúc tác này được mua ở nước ngoài. Mỗi năm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thải ra khoảng hơn 3.000 tấn xúc tác đã qua sử dụng từ phân xưởng RFCC. Đây là chất thải rắn, tốn chi phí thuê nhà thầu xử lý.

Trước thực tế đó, anh Vĩnh quyết định thực hiện công trình “Giải pháp dự trữ và tái sử dụng xúc tác RFCC đã qua sử dụng” áp dụng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Phương án tái sử dụng một phần lượng xúc tác RFCC đã qua sử dụng thay cho xúc tác “Flushing E-cat” giúp tiết kiệm chi phí mua xúc tác; đồng thời giảm được lượng xúc tác thải của phân xưởng RFCC, giúp giảm chi phí thuê xử lý và giảm chất thải ra môi trường.

Áp dụng mô hình nghiên cứu vào đào tạo

Sau 8 năm công tác tại Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, năm 2018, Thạc sĩ Trần Minh Tiến chuyển công tác về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Hiện anh là giảng viên ngành Công nghệ ô tô. Trong quá trình giảng dạy, anh Tiến đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2022, anh chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu chế tạo mô hình vận hành và hiển thị thông số hoạt động của máy phát điện trên ô tô”. Mô hình vận hành và hiển thị thông số hoạt động của máy phát điện trên ô tô đã được áp dụng vào trong giảng dạy phần Hệ thống cung cấp điện trên ô tô. Mô hình tạo ra sự tương tác trực tiếp giữa người học và thiết bị. Các thông số được hiển thị theo thời gian thực, giúp người học hiểu cặn kẽ về cấu tạo, nguyên lý hoạt động cũng như các hư hỏng thường gặp của hệ thống cung cấp điện. Từ đó, người học hình thành khả năng chẩn đoán các hư hỏng giúp giải quyết các vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thạc sĩ  Trần Minh Tiến - giảng viên ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, áp dụng mô hình nghiên cứu vào giảng dạy.
Thạc sĩ  Trần Minh Tiến - giảng viên ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, áp dụng mô hình nghiên cứu vào giảng dạy.

Anh Tiến chia sẻ, đội ngũ trí thức có thể tìm hiểu, nâng cao kiến thức chuyên môn bằng nhiều cách. Tôi chọn giải pháp tham quan, học tập tại các doanh nghiệp; đồng thời tìm hiểu kiến thức trên các trang mạng. Tôi đã lập một kênh Youtube để dạy trực tuyến, đồng thời qua đây chia sẻ, trao đổi kiến thức chuyên môn với những người đam mê ô tô. 

Việc đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn là việc làm xuyên suốt trong quá trình cống hiến của đội ngũ trí thức. Sự tích cực tham gia nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức đã cho ra nhiều sản phẩm khoa học được áp dụng vào thực tiễn tại các đơn vị. Những sản phẩm khoa học đó không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, mà còn góp phần rất lớn trong việc phát triển khoa học công nghệ của tỉnh. 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 


Ý kiến bạn đọc


.