Phát triển ngành chế biến thủy sản: Nâng chất lượng, tăng giá trị

13:42, 20/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản, giai đoạn 2021 - 2030 không chỉ gia tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị nội địa cũng như toàn cầu.

Quảng Ngãi hiện có hơn 100 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản với các sản phẩm như: Hải sản đông lạnh, cá khô, tôm khô, mực khô, chả cá, nước mắm... Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, gia tăng thị phần tiêu thụ nội địa.

Linh hoạt theo thị trường

Dù sức tiêu thụ giảm, xuất khẩu khó khăn nhưng lĩnh vực chế biến thủy sản vẫn có nhiều điểm sáng, nhất là hai dòng sản phẩm cá đóng hộp và cá khô. Đối với cá khô, sản phẩm được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm (chiếm 66%) và cá chỉ vàng (14%). Đây cũng là 2 sản phẩm mà nhiều cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh tập trung sản xuất vì nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chất lượng.

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh Trần Đình Tiến, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, sức tiêu thụ các sản phẩm cá khô, cá rim tăng mạnh từ năm 2022 đến nay. Riêng mặt hàng cá cơm rim và cá đét rim, mỗi năm, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn thành phẩm. Hai sản phẩm này có thị trường tiêu thụ ổn định, lại được công nhận sản phẩm OCOP nên sắp đến, cơ sở sẽ đầu tư nhà xưởng, cải tiến quy trình chế biến sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tăng sức tiêu thụ.

Sản phẩm cá cơm rim Hồng Tiến được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. 
Sản phẩm cá cơm rim Hồng Tiến được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 72 cơ sở chế biến thủy sản với các sản phẩm. Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, có 28 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản, với tổng công suất thiết kế trên 30 nghìn tấn/năm. Trong đó có 14/28 DN chế biến thủy sản, chủ yếu tại KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) xuất khẩu các mặt hàng cá phi lê, cá nguyên con, tôm nguyên con đông lạnh và tôm tẩm bột chiên, mực khô, cá khô sang thị trường Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, ngành thủy sản nói chung và mảng công nghiệp chế biến thủy sản nói riêng có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển thuận lợi, các sản phẩm giá trị cao có nhiều cơ hội tiêu thụ tại thị trường tiềm năng. Vì vậy thời gian qua, các DN, cơ sở chế biến thủy sản đã từng bước mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ sản xuất tự động đối với một số công đoạn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do tiêu thụ thiếu ổn định, sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô và chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các thị trường lớn.

Đồng hành gỡ nút thắt                                            

Các DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh cho rằng, hiện nay, sản phẩm xuất khẩu đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, giá trị gia tăng trong sản phẩm thủy sản thấp vì chưa tinh chế hoặc chế biến sâu, dẫn đến hiệu quả hoạt động của DN thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú).
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú).

Đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy sản Tấn Thành (KCN Quảng Phú) Nguyễn Tấn Thành cho biết, thị trường khá “lặng”, các đơn hàng rải rác và sản lượng ít, sức tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu của các loại sản phẩm thủy sản giảm trên 50%; riêng cá đông lạnh nguyên con và phi lê xuất khẩu giảm 70% so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đến công suất hoạt động chỉ từ 40-50%. Cũng trong tình trạng đợi tín hiệu thị trường, nên Công ty TNHH Thủy sản Nguyên Đại, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hoạt động cầm chừng. Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Nguyên Đại Lê Thị Thanh cho biết, thông thường thời điểm này sẽ là giai đoạn tiêu thụ cao điểm của sản phẩm mực khô nhưng năm nay, thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm mạnh.

Nguyên nhân một phần do DN thủy sản khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu chiếm từ 70 - 80% khiến DN cạn nguồn lực, khó đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất để điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo xu hướng của thị trường. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến ngày càng trầm trọng, khiến DN đã khó lại càng chật vật.

Đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy sản Tấn Thành Nguyễn Tấn Thành cho biết, sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh bình quân đạt 274 nghìn tấn/năm nhưng nhiều năm liền, công ty luôn khó khăn vì thiếu nguyên liệu chế biến. Để xoay xở, công ty phải thu mua nguyên liệu ngoài tỉnh dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng. “Cần xây dựng chợ đầu mối gắn với việc quản lý tốt thị trường nguyên liệu; đồng thời đầu tư hạ tầng cảng cá, nạo vét luồng lạch để tàu khai thác thủy sản vùng khơi trở về bán sản phẩm, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến tại địa phương”, ông Thành kiến nghị.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Sở NN&PTNT nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách đặc thù của ngành chế biến thủy sản, trọng tâm là giảm tổn thất sau thu hoạch, đầu tư ứng dụng công nghệ gắn với cải tiến quy trình sản xuất. Từ đó khuyến khích DN thủy sản trong tỉnh đầu tư cho công nghệ chế biến và tinh chế, nâng cao tỷ lệ thủy sản qua chế biến.

Ông Hồ Trọng Phương cho biết, song song với tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ lựa chọn DN, chuỗi sản xuất thủy sản có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật. Qua đó, vừa phát triển, vừa điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị, gắn với kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản qua các công đoạn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
 

Bài, ảnh: THANH PHONG

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:42, 20/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.