[Emagazine]. Cuối dòng sông là biển 

22:49, 08/05/2024
.
 
 

Ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) có một ngôi miếu hình mũi tàu hướng về Cửa Lở - nơi hạ nguồn của dòng sông Vệ rất độc đáo. Trên mũi tàu là ngọn hải đăng sáng rực mỗi đêm. Chiếc tàu nổi bật với màu xanh viền đỏ, chiều dài 53m và chỉ có một khoang duy nhất, ôm trọn ngôi miếu Âm Hồn với đầy đủ các phòng thờ cúng, được chạm trổ, đắp nổi hình long, lân, quy, phụng.

 
Khuôn viên ngôi miếu trở thành “điểm hẹn” của người dân trong và ngoài xã.
Khuôn viên ngôi miếu trở thành “điểm hẹn” của người dân trong và ngoài xã.

Ông Nguyễn Luân (70 tuổi), người trông nom ngôi miếu Âm Hồn trên tàu kể rằng, chiếc tàu “ôm” ngôi miếu là biểu tượng gắn kết, bao bọc của biển với ngư dân làng chài. Mũi tàu hướng thẳng về phía Cửa Lở với hàm ý ngư dân của làng chài Đức Lợi vững tin vươn khơi bám biển. Ngọn hải đăng cao 14m như ngọn đèn thắp sáng cả một vùng biển từ 17 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, để soi rọi cho những chiếc tàu đang dập dềnh mưu sinh nơi biển cả. Cứ đến ngày 5/3 âm lịch hằng năm, người dân xã Đức Lợi sắm sửa lễ vật mang đến miếu Âm Hồn để tổ chức lễ cúng, cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.  

 

Theo Quảng Ngãi tỉnh chí, làng chài Cửa Lở được hình thành từ rất sớm, năm Khải Định thứ 7, tức năm 1922. Đa số người dân nơi đây làm nghề chài lưới trên biển, số ít làm nghề chế biến mắm. Dụng cụ mưu sinh thuở xưa của ngư dân Đức Lợi chỉ là những tấm lưới đan thủ công với những chiếc ghe nan bầu được đan bằng tre, trát dầu rái hoặc những chiếc thuyền được đóng từ những tấm ván mỏng manh, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Khi tôm, cá gần bờ ít dần, một số ngư dân đóng tàu lớn để vươn khơi xa. Ông Ngô Bân (84 tuổi), ở thôn An Chuẩn nhớ lại, từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Cửa Lở tấp nập ghe, tàu đánh bắt, buôn bán hải sản. Ngư dân xã Đức Lợi cũng bắt nhịp, đóng tàu dài từ 15 - 20m, công suất từ 30CV trở lên để đánh bắt ở vùng biển xa. Thời ấy, ngư dân đánh bắt theo kinh nghiệm, dựa vào con nước, lại chưa có vật dụng bảo hộ, biển giã thất thường, nên nhiều ghe, tàu gặp nạn. Để tưởng nhớ những người nằm lại với biển, người dân trong xã đã lập miếu nhỏ, chung tay lo hương khói. 

 

Tình trạng sạt lở cùng với xâm thực bờ biển, cộng với cơn bão số 9 năm 2009 làm hư hỏng nghiêm trọng miếu Âm Hồn, cây bàng cổ thụ cạnh miếu cũng bị cuốn trôi ra biển. Người dân xã Đức Lợi cùng với con em làm ăn xa quê đóng góp hơn 500 triệu đồng để trùng tu, phục dựng ngôi miếu khang trang. Năm 2019, khuôn viên ngôi miếu xây dựng với thiết kế độc đáo, đó là hình tượng một chiếc tàu đánh cá với chiều dài 53m... Tổng  kinh phí xây dựng hơn 700 triệu đồng từ nhiều nguồn, diện tích khuôn viên ngôi miếu gần 1.500m2. 

Ngôi miếu hình mũi tàu ở xã Đức Lợi (Mộ Đức). Ảnh: TH.PHƯƠNG
Du khách tham quan ngôi miếu hình mũi tàu ở xã Đức Lợi (Mộ Đức). Ảnh: TH.PHƯƠNG

Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho biết, ngôi miếu hình chiếc tàu vừa là không gian tâm linh của cộng đồng ngư dân thể hiện lòng biết ơn đối với biển cả, vừa là điểm nhấn văn hóa miền biển của làng chài Đức Lợi. Xã tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện cảnh quan, môi trường ở khu vực ngôi miếu, xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản của địa phương nhằm phục vụ phát triển du lịch.

     

 

Cách trụ sở UBND phường Phổ Minh chừng 500m về phía đông, cầu Hải Tân, nối đôi bờ sông Thoa hiện ra vững chãi. Cây cầu vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2020, thay thế cho cây cầu tre thuở trước.  Cách cây cầu chừng vài trăm mét về phía đông, là địa điểm 3 dòng sông hội tụ.

Khung cảnh êm đềm tại ngã 3 sông Rớ và sông Trường.
Khung cảnh êm đềm tại ngã 3 sông Rớ và sông Trường.

Ở đầu cầu phía nam cầu Hải Tân, có một cung đường bê tông được xây dựng men theo triền sông. Đi theo cung đường này, vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống tập nập trên bến dưới thuyền dần hiện ra trước mắt. Chỉ một đoạn đường dài chừng 1km, du khách sẽ lần lượt được thưởng ngoạn cảnh sắc của 3 dòng sông. Đó là dòng sông Rớ nhỏ bé, hiền hòa, chầm chậm hòa vào sông Trường.

Tại ngã 3 sông này, những chiếc ghe nhỏ làm nghề chài lưới ven sông được người dân đưa về neo đậu. Những chiếc ghe màu xanh nằm gối bãi, trở thành nét chấm phá cho khung cảnh sông quê êm đềm nơi đây. Sau khi hòa mình vào sông Trường, dòng sông chở nặng phù sa tiếp tục chảy dưới chân núi Cửa, rồi đổ về dòng sông lớn là sông Thoa.

Khác với ngã 3 sông Rớ - sông Trường, nơi giao nhau giữa sông Trường - sông Thoa là nơi ngư dân đưa nhiều tàu khai thác hải sản về neo đậu. Những chiếc tàu làm nghề câu với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió neo đậu trên sông, khiến cung đường này trở thành địa điểm chụp ảnh lý thú của nhiều du khách.

Dưới chân núi Cửa, khi thủy triều xuống, người dân địa phương vẫn thường tìm về đây để săn trùn biển, một hải sản quý của địa phương.
Dưới chân núi Cửa, khi thủy triều xuống, người dân địa phương vẫn thường tìm về đây để săn trùn biển, một hải sản quý của địa phương.

Không chỉ có dòng sông xanh biếc, khu vực này còn tạo ấn tượng trong lòng cho những ai đến đây, bởi núi Cửa sừng sững. Ngọn núi này đặc biệt ở chỗ, một mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Vì vậy, khi nhìn núi từ phía sông Trường, thế núi, hình sông tựa như bức tranh thủy mặc bình yên, thơ mộng. Còn nếu nhìn từ bãi biển Phổ Vinh, núi hiện ra với Bãi Con, với Gành Đá, ngày đêm sóng vỗ tung bọt trắng xóa, trông rất đẹp. 

 

Về với vùng đất nơi 3 dòng sông cùng tụ hội, nhiều người thường chọn cho mình khung giờ từ 15 - 17 giờ chiều để vừa ngắm hoàng hôn trên sông, vừa trải nghiệm không khí tấp nập trên bến dưới thuyền. Vào những ngày biển êm, ngư dân ở phường câu Phổ Vinh sau một ngày đêm vươn khơi, thường tề tựu về khu vực này để bốc dỡ cá xuống thuyền. Những loại cá phèn, cá mú, cá chình tươi rói, được ngư dân bán tận tàu với giá phải chăng, càng khiến cho cung đường này trở nên đông đúc hơn vào mỗi buổi chiều.

Ngoài thưởng ngoạn cảnh núi sông nên thơ, mọi người có thể ghé thăm Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1955 - 1957) tại núi Sầu Đâu, ngọn núi cách cầu Hải Tân chừng 500m, để hiểu thêm về lịch sử của vùng đất này.

Núi Sầu Đâu từ bao đời nay vẫn được người dân xem như rừng thiêng, nên một lòng bảo vệ, gìn giữ. Núi được bao phủ bởi nhiều cây cổ thụ như sến, cây trâm, bời lời... Các khu vực công sự, giao thông hào, địa đạo trên núi năm xưa vẫn còn nguyên như ban đầu.

Bài, ảnh: THANH PHONG - ĐÔNG YÊN
Thiết kế, trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:49, 08/05/2024