Thăm thẳm Nước Mù

16:55, 11/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xóm Nước Mù trên, xã Sơn Bua (Sơn Tây) nằm chênh vênh giữa sườn một ngọn núi, lọt thỏm giữa màu xanh thăm thẳm của núi rừng. Cứ ngỡ gần, nhưng đến được nơi này cũng lắm gian nan. Lâu nay chỉ có cán bộ xã Sơn Bua và giáo viên mới thường xuyên đến đây. 

Theo chân cán bộ xã Sơn Bua, tôi đã đến với xóm Nước Mù trên. Tôi hỏi anh cán bộ xã Sơn Bua: Vì sao gọi là “Nước Mù”? Anh này nói nửa thật, nửa đùa: Chắc là rừng thăm thẳm, sương mù vấn vít quanh năm, nên gọi là xóm Nước Mù. Nơi này là “thâm sơn”, đi lại làm ăn khó khăn, việc học hành của con em gặp trở ngại, nên nhiều năm qua xã vận động người dân di dời đến nơi ở mới. Thế nhưng, hiện vẫn còn một xóm nhỏ người dân chưa chịu rời đi, đó là xóm Nước Mù trên.  

Ngược dốc lên Nước Mù 

Ngồi trên chiếc xe máy cà tàng, anh cán bộ xã Sơn Bua bảo tôi hên, bởi mấy năm trước đến Nước Mù phải cuốc bộ từ UBND xã Sơn Bua. Hồi đó, theo lối mòn dốc ngược lởm chởm đá với chiều dài chừng 3km, vượt qua chiếc cầu treo làm bằng cây lồ ô lủng lẳng bắc qua con suối là đến xóm Nước Mù dưới. Ai còn sức, tiếp tục leo dốc khoảng 1km nữa mới đến xóm Nước Mù trên.

Những ngôi nhà sàn ở xóm Nước Mù dưới, xã Sơn Bua (Sơn Tây). Ảnh: Phạm Anh
Những ngôi nhà sàn ở xóm Nước Mù dưới, xã Sơn Bua (Sơn Tây). Ảnh: Phạm Anh

Lần này, nhờ có thủy điện Đăk Ba nên đường bê tông 3km vào xóm Nước Mù dưới đã được xây dựng. Cây cầu treo năm xưa cũng được thay bằng đập bê tông cốt thép. Xóm Nước Mù dưới giờ thuận lợi hơn nhiều, lại thơ mộng bên bờ hồ thủy điện trong xanh. Chúng tôi lặn lội lên Nước Mù trên. Nhìn con đường chênh vênh như thể đi lên... trời xanh, tôi chợt nhớ lời của: "Nhiều người đến đây, thấy dốc là bỏ cuộc".

“Dọc đường đi có vắt rừng”, anh cán bộ xã Sơn Bua nhắc chừng và cả hai chúng tôi lên đường. Hơn một giờ băng rừng, đến gần trưa, Nước Mù hết sương. Thật ấn tượng khi nơi đây có rừng lồ ô bạt ngàn, xanh mượt. Bước ra từ lối mòn khỏi vòm hang làm bằng cây xanh, chúng tôi thấy chói chang trước mặt, khoảng không gian xanh mượt phủ ánh nắng vàng ươm. Không khí mát lạnh, trong lành, chúng tôi hít một hơi trong sự khoan khoái. Phóng tầm mắt ra xa là ruộng bậc thang bỏ hoang, có dòng nước chảy từ suối Nước Nỏ nghe tiếng róc rách. Xa xa có một vài mái nhà sàn trên một sườn đồi, lưa thưa, hiu quạnh.

Anh Đinh Văn Vinh bị tai nạn giao thông mất sức lao động nên cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập làm thuê của vợ. Ảnh: Phạm Anh
Anh Đinh Văn Vinh bị tai nạn giao thông mất sức lao động nên cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập làm thuê của vợ. Ảnh: Phạm Anh

Ngôi nhà sàn của anh Đinh Văn Vinh (39 tuổi), ở phía tây ngọn đồi. Trong nhà chẳng có gì đáng giá. Anh Vinh ngồi bên bếp lửa ôm đứa con hơn 1 tuổi, bên cạnh là con gái 2  tuổi. Mắt của người đàn ông chưa đến 40 tuổi lờ đờ, không phải do rượu mà do bị tai nạn giao thông cách đây 1 năm, trong một chiều đi khai thác keo thuê ở bên kia núi. Cả năm nay, anh Vinh ngồi nhà, ngày ngày trông vợ là chị Đinh Thị Sương (37 tuổi) đi làm về. Hai vợ chồng đã có 1 con gái đi lấy chồng, 2 đứa đang học bán trú ở trung tâm xã. Anh Vinh bộc bạch, ở đây đi rừng, đi rẫy kiếm sống, đi khai thác keo, mì thuê cho người ta, kiếm mỗi ngày hơn 120 nghìn đồng. “Có làm lúa nước không?”, tôi hỏi. Anh Vinh bảo, ít lắm, cả héc ta ruộng bậc thang là ruộng của ông Dưa. "Sao không xuống dưới kia làm nhà ở, làm ăn thuận lợi hơn" - tôi hỏi. anh Vinh nói, “xuống núi” không biết làm gì, dưới đó đâu có rẫy, có ruộng để làm.

Cứ thế, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám các hộ dân nơi đây. “Ở đây, mỗi tuần có người buôn bán nhỏ đứng dưới dốc, ai muốn mua, đổi thức ăn thì leo xuống”, anh cán bộ xã cho biết.

Ruộng của ông Dưa 

Chúng tôi qua nhà sàn ông Dưa, ông già kỳ cựu bám trụ, là người có uy tín và làm ăn giỏi nhất ở nơi đây. Ông nằm trên võng, cạnh bếp lửa, nói chuyện câu được câu mất. “Cái tai già không nghe rõ, mắt hơi mờ rồi”, già Dưa nói. Lát sau, con dâu ông Dưa là chị Đinh Thị Thơ (24 tuổi) vào nhà tiếp khách. Nói về cuộc sống ở Nước Mù, chị Thơ bảo khổ trăm thứ. Mẹ chồng đi hái rau bị té gãy chân, phải nhờ người khiêng võng đi bệnh viện. Cha chồng bị tai biến mạch máu não, lâu lâu bệnh nặng, lại phải dùng võng khiêng đi. “Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đường trơn trượt, đi xuống con dốc khổ vô cùng. Vợ chồng tôi làm nhà ở trung tâm xã, nói mãi mà cha chồng không xuống ở. Ông bảo ở đây giữ đất tổ tiên, không quen sống ồn ào dưới ấy”, chị Thơ kể.

Xóm Nước Mù trên chỉ lưa thưa vài ngôi nhà sàn.                Ảnh: Phạm Anh
Xóm Nước Mù trên chỉ lưa thưa vài ngôi nhà sàn.                Ảnh: Phạm Anh

Chị Thơ cho biết thêm, ruộng lúa nước bậc thang khoảng 1ha trên đường đi mà các anh nhìn thấy là của cha chồng tôi đấy. Ngày còn trẻ, ông cày cuốc cật lực, tạo ra hàng chục đám ruộng bậc thang. 

Để khai hoang trồng lúa nước, có lẽ mồ hôi hai vợ chồng ông Dưa còn chảy nhiều hơn con suối Nước Nỏ. Suối này chỉ chảy mùa mưa, mùa giáp hè, còn mồ hôi ông Dưa chảy quanh năm. Vì vậy, đến ngày giáp hạt ai thiếu ăn chứ riêng gia đình ông Dưa thì không. “Ruộng này đã được cấp sổ đỏ cho ông Dưa”, anh cán bộ xã cho hay.

Ngoài ruộng, ông Dưa còn nuôi hàng chục con trâu, bò ngoài rừng, cả đàn gà, vịt thả ở xóm Nước Mù. Cái gì ông Dưa cũng làm được, chỉ “xuống núi” là ông không làm được. Chị Thơ bảo, ngày còn khỏe, mỗi lần đi xuống xã, qua làng khác, ngay cả ở xóm Nước Mù dưới, ông Dưa cũng quày quả đi về. Bởi lẽ, ông nhớ làng, nhớ Nước Mù sương đọng, nhớ con suối Nước Nỏ róc rách và nhớ đám rẫy, nhớ ruộng lúa nước ông đã dày công tạo dựng. “Hai năm nay, ba bị đau nên ruộng lúa nước bỏ hoang", chị Thơ nói, mắt nhìn dãy ruộng bậc thang cỏ dại phủ lối.

Vận động người dân “xuống núi" 

Do địa hình biệt lập, lọt thỏm giữa núi rừng nên đời sống của người dân ở xóm Nước Mù trên gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, chính quyền địa phương đã vận động đưa dần đồng bào Ca Dong di dời đến nơi ở mới gần trung tâm xã. Trước đây, xóm Nước Mù trên có khoảng 20 hộ được vận động đưa dần xuống nơi ở thấp hơn. Cách đây 4 năm, xóm Nước Mù trên còn 12 nóc nhà với 40 người. Khi người dân không chịu "xuống núi", chính quyền địa phương đã tính đến việc kéo điện lên Nước Mù. Thế nhưng suất đầu tư 2 - 3 tỷ đồng là rất lớn, mà hộ thụ hưởng lại quá ít. Do đó, kiên trì vận động người dân ở Nước Mù di chuyển nơi ở xuống thấp là phương án được lựa chọn. Hiện nay, xóm Nước Mù trên còn 4 hộ. “Những người trẻ khi lớn lên sẵn sàng xuống thấp làm nhà ở, còn những người già, lớn tuổi thường không đi. Chúng tôi phải kiên trì vận động", Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Nguyễn Viết Chưởng cho biết.

 

PHẠM ANH

 


 

Xuất bản lúc: 16:55, 11/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.