Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân số cơ sở

13:54, 25/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, đội ngũ làm công tác dân số (DS) cơ sở đã được kiện toàn. Để đảm bảo hiệu quả công tác DS trong tình hình mới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS -KHHGĐ) tỉnh đã chú trọng đào tạo, tập huấn, trang bị, nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác DS cơ sở.

Viên chức dân số các xã, phường, thị trấn được tập huấn về các nội dung dân số và phát triển.  
Viên chức dân số các xã, phường, thị trấn được tập huấn về các nội dung dân số và phát triển.  

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.908 cộng tác viên DS, theo Quyết định số 16/2022/QĐ-UBND ngày 11/5/2022 của UBND tỉnh quy định số lượng, quy trình xét chọn, hợp đồng trách nhiệm đối với cộng tác viên DS trên địa bàn tỉnh. Nhằm chuẩn hóa kiến thức, nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ viên chức DS xã, phường, thị trấn, nhất là nhân viên y tế kiêm nhiệm công tác DS, mới đây, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm tổ chức lớp bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác DS cho 173 viên chức DS cấp xã, phường, thị trấn. Các viên chức DS được trang bị kiến thức về chính sách DS và phát triển trong tình hình mới. Cụ thể như, quy mô, cơ cấu và chất lượng DS; cách thống kê và các phương pháp mô tả dữ liệu thống kê; các chỉ số về DS phát triển. Bên cạnh đó, các viên chức DS còn được đào tạo, nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục DS - KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, quản lý nhà nước về DS - KHHGĐ.

Công tác tại Trạm Y tế xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), cuối năm 2020, chị Phạm Thị Vân kiêm nhiệm công tác DS và phát triển. Chị Vân chia sẻ, việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ kiêm nhiệm công tác DS rất quan trọng, bởi tình hình DS ngày càng thay đổi, phát triển. Bên cạnh tiếp cận các công thức về DS như tỷ lệ sinh thô, tỷ lệ tăng tự nhiên, tôi còn được tập huấn về những phương pháp truyền thông hiệu quả với từng đối tượng, nội dung; cách chọn đối tượng để triển khai, tư vấn phù hợp trong các đề án về DS.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Duyên, viên chức DS xã Sơn Tinh (Sơn Tây) cho hay, công tác DS tại miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì phong tục, tập quán lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. “Để thuyết phục, thay đổi nhận thức cho đồng bào vùng cao về mang thai, nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, viên chức DS không chỉ thấu hiểu tâm lý, tập quán của dân tộc thiểu số, mà còn phải vững kiến thức để tổ chức các hoạt động phù hợp, thu hút người dân tham dự, lắng nghe. Vừa qua, tôi được đào tạo, nâng cao kỹ năng công tác DS, trong đó có các nội dung thiết thực như vấn đề tảo hôn ở miền núi, cách truyền thông, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi. Qua đó, giúp tôi tham mưu, triển khai hiệu quả hơn hoạt động DS ở vùng cao”, chị Duyên bày tỏ.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới đã nhấn mạnh chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang DS và phát triển. Công tác DS phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS. Thực tế cho thấy, thành công của công tác DS có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ làm công tác DS cơ sở.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Oai cho biết, nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm công tác DS sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác DS và phát triển trong tình hình mới. Nhất là thực hiện Chiến lược DS tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian đến, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đào tạo, tập huấn cho 1.908 cộng tác viên DS thôn, tổ dân phố trên toàn tỉnh...


Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

 

Thực hiện Công văn số 1970/SYT-TCCB ngày 22/9/2020 của Sở Y tế, từ ngày 1/10/2020, nhiệm vụ công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn các xã, phường, thị trấn được giao cho trạm y tế quản lý. Đến nay, có 38 cán bộ chuyên trách DS được tuyển dụng, còn lại 135/173 xã, phường, thị trấn do viên chức trạm y tế kiêm nhiệm.
 


Ý kiến bạn đọc


.