Động lực để phát triển bền vững

10:28, 18/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.

Nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm

Khoa học, công nghệ và ĐMST chính là công cụ hữu hiệu của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Nhiều DN đã ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH&CN mới vào sản xuất. Đồng thời tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ gắn với phát triển sản phẩm trí tuệ của DN để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và bảo vệ môi trường.

Huyện Nghĩa Hành đã phát triển vùng cây ăn quả chuyên canh, mang lại giá trị kinh tế cao.
Huyện Nghĩa Hành đã phát triển vùng cây ăn quả chuyên canh, mang lại giá trị kinh tế cao.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong (KCN Quảng Phú) Trần Thị Kim Trúc cho biết, công ty đã đầu tư hệ thống máy lạnh hầm đông gió để bảo quản sản phẩm, giúp giảm thời gian cấp đông từ 10 giờ xuống còn 8 giờ (tiết kiệm gần 70% lượng điện năng sử dụng); công suất cũng tăng từ 2.600 tấn sản phẩm/năm lên 3.600 tấn sản phẩm/năm. Qua đó, giúp DN gia tăng lợi nhuận khoảng 30%/năm so với trước.

Thông qua cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh, từ năm 2020 đến nay đã khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Riêng năm 2024, đã có 43 hồ sơ dự thi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức cuộc thi lần thứ 5 đã lựa chọn 10 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết; trong đó có nhiều ý tưởng, dự án được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành cho biết, thời gian qua, hoạt động KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được phát huy; các nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với đặc thù của địa phương, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc ứng dụng các thành tựu của KHCN&ĐMST đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình, sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực. Qua đó, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, cũng như tinh thần khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.

Động lực để phát triển

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tuyển chọn, bình tuyển một số cây ăn quả, từ năm 2006, huyện Nghĩa Hành đã đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả gắn với chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. Qua gần 18 năm thực hiện, đến nay, Nghĩa Hành không chỉ là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh, với gần 800ha bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối và mít Thái, mà còn thay đổi căn bản phương thức sản xuất của nông dân. Người dân đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp giá trị cao.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm khẳng định, ứng dụng các thành tựu KHCN là giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng là động lực để chính quyền và người dân các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả và giá trị vùng chuyên canh cây ăn quả trong những năm tới.

Khoa học công nghệ đóng góp 38% giá trị gia tăng trong lĩnh vực cây trồng, vật nuôi.
Khoa học công nghệ đóng góp 38% giá trị gia tăng trong lĩnh vực cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 về phát triển KHCN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Kết luận 69), thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học và chuyển đổi số. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu của KHCN. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân, DN tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhất là một số ngành, lĩnh vực then chốt và các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của tỉnh.

Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành cho biết, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển KHCN&ĐMST phù hợp với điều kiện thực tiễn gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KHCN. Quản lý, theo dõi và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống. Tạo điều kiện cho các DN đầu tư ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Chú trọng nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu vào đời sống sản xuất...

Bài, ảnh: MỸ HOA - TRƯỜNG AN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:28, 18/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.