Quản lý quy hoạch, khai thác hiệu quả đất đai

09:50, 05/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2024, Quảng Ngãi tập trung lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch khu vực gắn với từng dự án cụ thể. Mục tiêu là khai thông nguồn lực, khai thác hiệu quả đất đai, phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Thay áo mới” cho KKT Dung Quất

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (Ban Quản lý) làm chủ đầu tư lập các quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 trong phạm vi được quy hoạch. Yêu cầu của UBND tỉnh đặt ra là quy hoạch phân khu phải đảm bảo chất lượng, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, mở cơ hội, thu hút các dự án chất lượng vào KKT Dung Quất. Đến nay, Ban Quản lý đã thuê tư vấn lập và trình phê duyệt, công bố quy hoạch tỷ lệ 1/2000 của 4 phân khu; đã và đang trình xin ý kiến 4 quy hoạch phân khu, còn 3 quy hoạch phân khu đang trong giai đoạn khảo sát, lập đồ án.       

Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ trong Khu Kinh tế Dung Quất theo quy hoạch được duyệt.
Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ trong Khu Kinh tế Dung Quất theo quy hoạch được duyệt.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Mẫn nhấn mạnh, khi lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000, phải tính toán đến không gian phù hợp cho phát triển ổn định lâu dài trong tương lai, đặc biệt là các phân khu xây dựng khu đô thị, mật độ xây dựng, tiện ích phải đáp ứng yêu cầu, mới thu hút được dự án. Việc lập quy hoạch cũng cần cân nhắc không để các phân khu đô thị, dịch vụ xung đột với phân khu công nghiệp, vì nó sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của KKT Dung Quất.

Nêu ý kiến về tính hài hòa của các quy hoạch phân khu trong KKT Dung Quất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền lưu ý, các quy hoạch phân khu trong KKT Dung Quất phải gắn định hướng phát triển hài hòa các ngành kinh tế khác trong khu vực. Đồng thời, để phát huy tối đa lợi thế sân bay Chu Lai, cần phải hạn chế về độ cao ở một số khu vực; tăng thêm phần diện tích xây dựng kho bãi phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo liên kết vùng. Về lâu dài, vùng công nghiệp này không nên để lại đất lúa manh mún, phải cập nhật, xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó ngập lụt kịp thời. Cần kết nối hạ tầng cảng biển, sân bay, tạo ra lợi thế cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng đất đai cho cả vùng.

Đồng bộ quy hoạch

Phục vụ mục tiêu phát triển KKT Dung Quất theo đúng định hướng, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu việc lập các quy hoạch phân khu phải cập nhật đầy đủ vào các quy hoạch sử dụng đất trong khu vực, kể cả huyện Lý Sơn. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch sử dụng đất các huyện nằm trong KKT Dung Quất như Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh mới đang trong giai đoạn xây dựng. Nêu quan điểm về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho rằng, ngay trong tháng 3 và 4/2024, phải hoàn thành quy hoạch sử dụng đất các phân khu trong KKT Dung Quất, để đưa toàn bộ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kịp thời, đồng bộ, không để phá vỡ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trên địa bàn. Đối với các quy hoạch phân khu đã được xây dựng quy hoạch sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 thì phải báo cáo, phối hợp điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch tỉnh.

Thời gian qua, tại KKT Dung Quất đã xuất hiện tình trạng xây dựng quy hoạch không đảm bảo chất lượng, dẫn đến thu hút ồ ạt các dự án, phá vỡ định hướng phát triển. Việc thu hút dự án không phù hợp dẫn đến việc sử dụng đất đai không hiệu quả, gây thất thu cho ngân sách. Tại cuộc họp về việc lấy ý kiến vào đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Dung Quất II và Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ tây bắc Dung Quất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cho rằng, phải đồng bộ, quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất. Các dự án đầu tư đã giao đất mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng cũng phải đưa vào thu tiền sử dụng đất. Dự án nào chiếm đất phải cương quyết lập thủ tục thu hồi.

Điểm nhấn cho đô thị phía nam TP.Quảng Ngãi

Khu vực xung quanh núi Thiên Bút thuộc phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) sau một thời gian dài không được quan tâm cải tạo, trở thành một vùng hoang vu giữa lòng TP.Quảng Ngãi. UBND tỉnh giao cho UBND TP.Quảng Ngãi lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Khu vực Công viên Thiên Bút (quy hoạch Công viên Thiên Bút). Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến đối với đồ án quy hoạch Công viên Thiên Bút, với tổng diện tích 41,6ha. Điểm mới trong quy hoạch Công viên Thiên Bút lần này là không có khu đô thị (như quy hoạch lập năm 2017) nhưng có thêm cụm công trình Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Thư viện tỉnh; thời gian thực hiện chuyển từ giai đoạn 2021 - 2025 sang 2026 - 2030.

Phối cảnh tổng thể quy hoạch Khu vực Công viên Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi) nhìn từ hướng đông. 
Phối cảnh tổng thể quy hoạch Khu vực Công viên Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi) nhìn từ hướng đông. 

Theo đó, đây sẽ là công viên có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của tỉnh bao gồm cụm công trình, không gian kiến trúc hài hòa 4 hướng đông, tây, nam, bắc kết nối, khai thác hiệu quả cùng với các công trình, dự án hiện hữu liền kề. Đỉnh núi Thiên Bút sẽ được phục dựng tháp Chăm đảm bảo giá trị lịch sử văn hóa vốn có. Khu vực Công viên Thiên Bút có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại gồm giao thông thông minh (đường được mở rộng, có thêm đường gom và phố đi bộ để khai thác kinh tế ban đêm), điện và viễn thông ngầm hóa. Thảm xanh sẽ được trồng lại cây xanh, thảm cỏ phù hợp với kiến trúc cảnh quan, không gian. Cây đa Sơn Tịnh trồng ở phía nam sẽ được đầu tư tạo cảnh quan xung quanh tạo điểm nhấn...

Để khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy giá trị sử dụng khi Công viên Thiên Bút hoàn thành, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phong cho rằng, cần cải tạo khu vực trước Nghĩa trang Thiên Bút, chừa khoảng lùi tạo bãi đỗ xe, hình thành lối đi bộ xung quanh công viên. Đối với 2.800m2 gần khu vực kênh N6 nên di dời, làm công viên mini. Còn Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Mẫn thì đề xuất tất cả các công trình trong khu vực Công viên Thiên Bút cần phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, đặc biệt là tháp Chăm trên đỉnh núi, để lựa chọn phương án tốt nhất cho công trình công viên đặc biệt này.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:50, 05/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.