Phát triển cây trồng bản địa theo hướng hàng hóa

22:27, 31/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm triển khai trồng một số loại cây mới trên vùng đất cát ven biển không đem lại hiệu quả, huyện Mộ Đức đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng và phát triển một số loại cây trồng bản địa theo hướng hàng hóa.

Vườn củ từ của gia đình ông Trần Văn Ngang, ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức).

Mùa này, đi dọc các xã ven biển Đức Minh, Đức Phong, Đức Thắng (Mộ Đức) ai cũng dễ dàng bắt gặp một màu xanh của các loại cây trồng như củ lăng, củ từ, khoai sọ cùng nhiều loại rau màu khác. Đây là những loại cây trồng bản địa được người dân địa phương trồng trên vùng đất cát đầy nắng và gió từ bao đời nay. Cũng nhờ loại cây trồng này đã giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập khá để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Ngang, ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh chia sẻ, năm nào gia đình tôi cũng trồng khoảng 3 sào củ lăng, củ từ. Loại cây này rất dễ trồng và hầu như không bị sâu bệnh nên chỉ cần chăm sóc, bón phân là cây sẽ phát triển tốt. Trung bình mỗi năm, tôi thu khoảng 3 tấn củ lăng, củ từ. Với mức giá trung bình từ 15 - 17 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu được hơn 40 triệu đồng. So với cây lúa thì trồng các loại cây này đem lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.

Theo người dân địa phương, khoảng tháng 3 âm lịch sẽ xuống giống củ từ và tháng 4 - 5 âm lịch sẽ xuống giống củ lăng. Từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, các loại cây trồng này sẽ cho thu hoạch. Để tiết kiệm công lao động cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Những năm gần đây, củ lăng, củ từ được thị trường ưa chuộng nên có giá cao, giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập, chăm lo cuộc sống gia đình tốt hơn.

Bên cạnh củ lăng, củ từ, cây khoai sọ cũng trở thành cây trồng không thể thiếu của người dân xã Đức Minh. Ông Trần Luyện, ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh bày tỏ, cây khoai sọ được ví như cây thoát nghèo của nhiều hộ dân trong thôn. Mỗi năm vợ chồng ông trồng khoảng 3 sào khoai sọ, năng suất đạt hơn 1 tấn. Khoai sọ được trồng vào tháng 6 âm lịch và đến giữa tháng Chạp sẽ thu hoạch để bán dịp Tết. Khoai sọ dễ bảo quản lại để được lâu nên ngày càng được thị trường lựa chọn. Với giá bán trên 30 nghìn đồng/kg, mỗi vụ gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng.  

Theo thống kê, toàn huyện Mộ Đức có khoảng 200ha trồng củ lăng, củ từ, khoai sọ... Vì được trồng trên đất cát nên các loại củ này có vị ngọt, bở, dẻo đặc biệt hơn trồng ở các nơi khác. Nhận thấy được ưu điểm trên, những năm gần đây, người dân địa phương đã xem củ lăng, củ từ, khoai sọ là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, huyện Mộ Đức đang định hướng người dân phát triển các loại cây trồng này theo hướng hàng hóa, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng thông tin, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, trong đó chú trọng một số loại cây bản địa như củ lăng, củ từ, củ mì, khoai sọ. Huyện Mộ Đức đã xây dựng được 16 vùng sản xuất cho thu nhập cao, trong đó có các vùng sản xuất rau, củ, quả bản địa. Hiện huyện đã bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật như đường, điện tại 4 vùng sản xuất. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng các khu sản xuất còn lại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Huyện Mộ Đức cũng đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xây dựng các mô hình khuyến nông, tiếp tục đầu tư một số loại cây trồng bản địa trên địa bàn, tập trung các vùng sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn. Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật, giúp người dân thay đổi tư duy, trình độ canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt sẽ xây dựng sản phẩm củ từ, củ lăng thành sản phẩm hữu cơ. Từ đó sẽ kết nối với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị cao.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:27, 31/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.