Trở lại làng Rêu 

10:47, 15/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng Rêu ở xã Ba Điền (Ba Tơ). Ngôi làng này từng xuất hiện hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân khiến người dân lo lắng và chịu nhiều mất mát, nhưng giờ đây đã có nhiều đổi thay. Niềm vui ấy đã hiện rõ trên gương mặt của người dân nơi đây. 

 Làng Rêu, xã Ba Điền (Ba Tơ) nằm yên bình dưới chân đồi và bên những ruộng lúa xanh mướt.
ẢNH: BẢO NGỌC
Làng Rêu, xã Ba Điền (Ba Tơ), nằm yên bình dưới chân đồi và bên những ruộng lúa xanh mướt. Ảnh: BẢO NGỌC

Nụ cười đã trở lại... 
Chúng tôi đặt chân đến làng Rêu khi trời đã đứng bóng. Dưới ánh nắng hanh giòn và làn gió nhẹ của những ngày tháng Tám, làng Rêu trở nên tươi xanh và yên bình đến lạ.

Ngôi làng này cách đây hơn 12 năm từng được nhắc đến với những mất mát chưa từng có, khi căn bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người còn gọi là bệnh lạ xuất hiện và hoành hành. Từ năm 2011 - 2014, toàn xã Ba Điền có 264 người mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, trong đó có 24 người tử vong mà làng Rêu là "tâm điểm" của căn bệnh này. Sau khi căn bệnh lây lan nhanh, đã có hàng chục đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và Sở Y tế về làng Rêu tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị.

Niềm vui đã trở lại với người dân làng Rêu.                                     ẢNH: BẢO NGỌC
Niềm vui đã trở lại với người dân làng Rêu. Ảnh: BẢO NGỌC

Giờ đây, khi đến làng Rêu, nhiều người ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Đếch, cán bộ văn hóa của xã Ba Điền. Sải bước trên chiếc cầu treo vững chãi bắc ngang qua con suối nước Nẻ ngay đầu làng, anh Đếch cho biết, cầu treo này được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016. “Ngày khánh thành đưa cầu treo vào sử dụng, người dân trong làng ai nấy đều vui mừng vì từ nay giao thông đi lại thuận tiện, không còn cảnh con suối Nước Nẻ gây cô lập vào mùa mưa", anh Đếch phấn khởi nói.

Tuyến đường bê tông dẫn vào làng Rêu.                                              ẢNH: BẢO NGỌC
Tuyến đường bê tông dẫn vào làng Rêu. Ảnh: BẢO NGỌC

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, anh Đếch hồ hởi cho biết, làng Rêu giờ có nhiều đổi thay. Con đường đất đầy sỏi đá dẫn vào làng trước kia nay đã được bê tông, nhiều công trình dân sinh và thiết chế văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, điện sáng từ nhà ra ngõ... Nhưng, đổi thay lớn nhất chính là nếp nghĩ, cách làm của người dân. "Nhiều cách nghĩ mới, cách làm mới đã “kéo” làng Rêu gần hơn với miền xuôi. Người dân không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Bà con đã biết cách bảo quản nông sản sau thu hoạch, biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín uống sôi...”, anh Đếch nói. 

Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây dựng nhà khang trang.  ẢNH: BN
Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây dựng nhà khang trang. Ảnh: BN

Vui vì diện mạo và đời sống của người dân ở làng Rêu ngày càng phát triển, nhưng khi nhắc lại chuyện về căn bệnh của hơn 12 năm trước, mắt anh Đếch đượm buồn. Bởi đó là thời điểm vô cùng khó khăn của gia đình anh và người dân nơi đây. Căn bệnh khiến nhiều người tử vong, trong đó có vợ và con trai của anh Đếch. “Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế, căn bệnh đã được đẩy lùi. Bà con ở đây yên tâm sinh sống", anh Đếch chia sẻ. 
Cùng với người dân trong làng, vượt qua nỗi đau mất người thân, anh Đếch chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Hiện anh Đếch có mái ấm gia đình mới với cô giáo mầm non ở địa phương và đã có với nhau hai mặt con. Làng Rêu có 103 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Hrê. Sau khi căn bệnh gây bao đau thương được đẩy lùi, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, người dân nơi đây đã tập trung xây dựng cuộc sống mới,  trồng lúa, trồng keo, phát triển chăn nuôi... Nhờ vậy, bây giờ trong làng không hộ dân nào còn thiếu ăn như trước, nhiều nhà làm ăn khấm khá, xây dựng nhà ở khang trang.

Trên con đường bê tông xanh mát bóng cây, chúng tôi bắt gặp người dân với nụ cười hồn hậu, mến khách. Trong những câu chuyện ở làng, điều chúng tôi cảm nhận rõ rệt nhất chính là niềm vui. Không còn nỗi lo lắng, những ánh mắt sợ hãi ngày nào, không khí ở làng Rêu giờ trở nên rộn ràng, đầy ắp tiếng cười. 

Nhờ có cây cầu treo mà người dân làng Rêu không sợ chia cắt mỗi khi mưa lũ, nước suối dâng cao.
ẢNH: BẢO NGỌC
Nhờ có cây cầu treo mà người dân làng Rêu không sợ chia cắt mỗi khi mưa lũ, nước suối dâng cao. Ảnh: BẢO NGỌC

... nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo
Làng Rêu bây giờ không còn xuất hiện căn bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Thế nhưng, những người từng mắc bệnh lại đang đối diện với nỗi lo về di chứng của căn bệnh này. Dù đã điều trị khỏi bệnh từ nhiều năm trước, nhưng di chứng của căn bệnh khiến cho tai của bà Phạm Thị Xao (67 tuổi) không nghe rõ. Bà Xao cho biết, sau khi được điều trị khỏi bệnh khoảng 2 năm, tôi có dấu hiệu lãng tai và bệnh ngày càng nặng. “Mấy năm trước tôi đã xuống bệnh viện tỉnh để khám và chữa trị nhưng vẫn không khỏi bệnh”, bà Xao nói. Di chứng của căn bệnh cũng khiến con dâu của bà Xao là chị Phạm Thị Triêu bị mờ mắt. Bệnh của chị Triêu ngày càng nặng, chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. 

Bà Phạm Thị Xao vui vì căn bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được đẩy lùi, song bà vẫn đang rất lo vì những di chứng của căn bệnh này.
Bà Phạm Thị Xao vui vì căn bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được đẩy lùi, song bà vẫn đang rất lo vì những di chứng của căn bệnh này.     Ảnh: BN

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Ênh cho biết, hầu hết các trường hợp mắc bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân sau khi được điều trị khỏi bệnh đều bị di chứng mờ mắt, điếc tai... với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trong đó, có khoảng 10 trường hợp bị nặng và đang được điều trị ở các bệnh viện. Dù căn bệnh đã hết và không còn tái phát, nhưng những di chứng của căn bệnh này ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Chính quyền địa phương cũng như người dân làng Rêu rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm đề xuất Bộ Y tế và các cơ quan liên quan về địa phương thăm khám, khảo sát và có thuốc điều trị dứt điểm các di chứng của căn bệnh này để người dân yên tâm”, anh Phạm Văn Ênh bày tỏ.

BẢO NGỌC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:47, 15/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.