Truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS

10:53, 05/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức, tạo thái độ tích cực cho người dân để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.
 
Kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta và trên thế giới cho thấy, chỉ thông tin về phòng, chống HIV/AIDS chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này trong cộng đồng mà cần phải tuyên truyền mạnh mẽ về thay đổi hành vi.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2023, tổng số người nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 1.212 trường hợp; trong đó số người nhiễm HIV còn sống là 840. Trong số này, số bệnh nhân HIV/AIDS hiện đang được quản lý là 729 người; số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV là 626/729 người, đạt 86%.
 
Trên địa bàn tỉnh, HIV đã xuất hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và tại 146/173 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ số người nhiễm HIV mới được phát hiện 4,3/100 nghìn dân, tăng so với kế hoạch (dưới 5/100 nghìn dân).
Xe tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12)
tại TP.Quảng Ngãi.
Xe tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) tại TP.Quảng Ngãi.

Xác định công tác tuyên truyền thay đổi hành vi là nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, năm 2023 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai nhiều hoạt động giáo dục, truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bác sĩ Phạm Văn Long - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, trong năm nay, Khoa đã phối hợp chặt chẽ với Đài PT&TH tỉnh, Báo Quảng Ngãi thực hiện nhiều phóng sự, tin, bài về phòng, chống HIV/AIDS. Chúng tôi còn phối hợp với Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe của trung tâm đăng nhiều tin, bài trên website của Sở Y tế; in ấn, cấp phát 10 nghìn tờ rơi, tờ gấp, đồng thời phát nhiều tin, bài tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở.

Tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp thay đổi hành vi cho khoảng 2.000 đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, người nghiện ma túy, đối tượng tiếp viên tại các nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke và gia đình người nhiễm HIV tại 13 huyện, thị xã, thành phố...

Việc thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành; thu hút dư luận xã hội ủng hộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để duy trì bền vững những thành quả đã đạt được. Đồng thời, góp phần giúp người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các chính sách về phòng, chống HIV/AIDS, kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng lây nhiễm HIV.

Bác sĩ Phạm Văn Long chia sẻ thêm, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi sẽ thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp nhằm thu hút sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi chỉ thật sự hiệu quả khi các cấp, ngành, các địa phương chú trọng và tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến những thông tin khuyến cáo người dân và cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với mỗi cơ sở, địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để đem lại hiệu quả cao nhất.

Bài, ảnh: KIM LIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:53, 05/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.