Chung tay bảo tồn di sản văn hóa

18:09, 23/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một trong những vùng đất đa dạng di sản văn hóa (DSVH). Đây cũng là lợi thế mà ít địa phương ở khu vực miền Trung có được. Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn di tích, hiện vật và DSVH phi vật thể, gắn với phát triển du lịch.

Văn hóa biển đảo là một lợi thế của Quảng Ngãi, đóng góp quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là đảo Lý Sơn - sở hữu địa chất, cảnh quan đặc sắc và văn hóa cư dân miền biển. Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa, thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, cùng địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.

Lý Sơn cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, hội tụ và kết tinh từ ba nền văn hóa cổ của Việt Nam, như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa người Việt cổ. Đây cũng là nơi lưu giữ những tài liệu, bằng chứng quý hiếm minh chứng về lịch sử xác lập cột mốc và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .

Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương sở hữu vùng biển có tàu cổ bị đắm. Qua những lần khai quật, trục vớt đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị. Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản hơn 12,6 nghìn cổ vật liên quan đến tàu cổ đắm. Đặc biệt, Quảng Ngãi tự hào là nơi phát lộ của nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba nền văn hóa quan trọng của Việt Nam. Sau khi Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL hướng dẫn lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh là Di sản văn hóa Thế giới.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 3 bảo vật quốc gia; 2 di tích quốc gia đặc biệt; 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 32 di tích cấp quốc gia; 168 di tích cấp tỉnh. Bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách địa phương và từ nguồn huy động xã hội hóa, trong 10 năm qua, toàn tỉnh có hơn 100 di tích được trùng tu, tôn tạo, qua đó phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

Kế hoạch từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Tập trung đầu tư kinh phí thực hiện quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng; tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa để khơi dậy các giá trị văn hóa tại cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH đối với sự phát triển bền vững ở địa phương.

Di sản văn hóa Quảng Ngãi là một bộ phận quan trọng trong kho tàng DSVH của dân tộc, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo vệ, giữ gìn các DSVH chính là thể hiện tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:09, 23/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.