Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm 

14:30, 06/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, trong đó nhấn mạnh đến việc gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ bánh mì khiến hàng trăm người phải nhập viện. Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mới đây nhất là ngày 30/4/2024 tại TP.Long Khánh (Đồng Nai), tính đến ngày 4/5 đã có 518 người phải đi cấp cứu do ăn bánh mì, trong đó có nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch. 

Bánh mì là loại thực phẩm khá phổ biến ở nước ta. Giá tiền vừa phải, lại tiện lợi cho cả trẻ em lẫn người lớn vào mỗi buổi sáng. Về phía người bán bánh mì cũng rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc xe chứa bánh mì và thực phẩm làm nhân bánh là có thể đi khắp phố để bán cho thực khách. Các cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn trong việc quản lý các xe bánh mì di động này.

Kẽ hở trong quản lý an toàn thực phẩm đã khiến cho nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ bánh mì liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, vào tháng 3/2024, tại huyện Sơn Hà cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm từ bánh mì khiến 23 người phải nhập viện. Kiểm tra quán bánh mì này, ngành chức năng phát hiện, chủ quán không có giấy phép đăng ký kinh doanh hành nghề, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ quán này đã bị phạt 90 triệu đồng. 

Không chỉ những xe bánh mì lưu động mới xảy ra những vụ ngộ độc mà ngay cả những quán có thương hiệu như bánh mì Phượng ở TP.Hội An (Quảng Nam) cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm vào tháng 9/2023, khiến 250 người phải vào viện cấp cứu. Phần lớn các vụ ngộ độc từ bánh mì được cơ quan chức năng lấy mẫu vật phẩm xét nghiệm gồm chả heo, thịt heo, rau xà lách, dưa leo, hành, xíu mại... tất cả đều dương tính với salmonella. Đây là loại vi khuẩn gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật, gọi là bệnh nhiễm salmonella. Mẫu bệnh phẩm trong vụ ngộ độc từ bánh mì ở huyện Sơn Hà cũng có kết luận là bị nhiễm salmonella.

Trong năm 2023, cả nước xảy ra 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm cho 2.100 người mắc và 28 người đã tử vong, có xu hướng tăng hơn năm trước. Bánh mì là loại thực phẩm được ưa chuộng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Vì vậy, việc phạt nặng như vụ ở Sơn Hà cũng chỉ là giải pháp tình thế, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người bán bánh mì trong việc bảo đảm an toàn khi bán cho khách.

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:30, 06/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.