Hoạt động đền ơn đáp nghĩa: Không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý

09:07, 19/07/2010
.

(QNg) - Hàng ngàn ngôi nhà được xây dựng cho người có công, hàng chục nghìn  người được hưởng trợ cấp hàng tháng, hàng trăm Mẹ VNAH được các đơn vị trong tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời... Đó là những hành động cao đẹp thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn của dân tộc" mà cả xã hội đang hướng đến. Đến nay toàn tỉnh đã xác nhận trên 180 ngàn đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có hơn 47 ngàn đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Những năm qua việc xác lập thủ tục hồ sơ, giải quyết chế độ đối với người có công ở tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đạt kết quả tốt.

Toàn tỉnh đã giải quyết được khoảng 20 ngàn trường hợp hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng (chủ yếu là người có công giúp đỡ cách mạng và người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc). Ngành Lao động-thương binh và xã hội tỉnh đã chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho khoảng 50 ngàn đối tượng và trợ cấp một lần cho khoảng 16 ngàn đối tượng. Kịp thời điều chỉnh và chi trả trợ cấp, phụ cấp đối với người có công theo quy định.
 
Một ngôi nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở huyện Trà Bồng.
Một ngôi nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở huyện Trà Bồng.

Công tác quản lý đối tượng, quản lý kinh phí ưu đãi, thực hiện chế độ đối với người có công ngày càng tốt hơn. Người có công với cách mạng và con của họ đang theo học từ bậc giáo dục mầm non đến bậc đại học đều được xem xét miễn hoặc hỗ trợ học phí, giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần... giúp các cháu có điều kiện học tập tốt.

Đến nay Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn triển khai thực hiện cấp sổ cho hơn 17 ngàn trường hợp được hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục- đào tạo, với tổng kinh phí chi trả hàng tỷ đồng. Đối tượng người có công với cách mạng và con đẻ của họ thuộc diện hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đã được cấp sổ và chi trả kịp thời. Tỉnh cũng đã tổ chức tốt việc điều dưỡng luân phiên tập trung và điều dưỡng tại gia đình, bình quân mỗi năm cho khoảng 12 ngàn đối tượng người có công.

Hàng năm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hợp đồng với Bảo hiểm xã hội mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 35 ngàn đối tượng, với kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Để tiến đến nâng dần mức sống cho người có công trên địa bàn tỉnh, với phương châm 3 kết hợp: "Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí; bà con, họ tộc đóng góp công lao động, hỗ trợ vật tư và đối tượng tự bỏ thêm kinh phí".
 
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, qua 2 giai đoạn: 2006-2010 và 2009-2011. Đến nay đã có gần 30 ngàn người nghèo và người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Trong những năm qua ngành đã phối hợp với các lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vào nghĩa trang. Hiện toàn tỉnh đã quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang.
 
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành tu sửa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và hàng ngàn mộ liệt sĩ trong nghĩa trang; xây dựng mới các Đài  tưởng niệm, nhà nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ neo đơn... với tổng kinh phí gần 59 tỷ đồng.
 
Thực tế đã có nhiều địa phương bằng nhiều hình thức huy động đã vận động nhân dân đóng góp ngày công, kinh phí để cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ khang trang hơn. Hiện nay 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời (cả tỉnh còn 269 mẹ còn sống).

Ngoài việc phụng dưỡng về vật chất, nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên cử cán bộ đến thăm, tặng quà. Toàn tỉnh hiện có trên 400 thương-bệnh binh nặng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình. Được sự chăm sóc, giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình và nhân dân, nên hầu hết anh chị em thương- bệnh binh nặng đều hoà nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định. Những năm qua, cán bộ, nhân dân; các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, thực hiện xây dựng mới và sửa chữa được hàng ngàn nhà ở cho người có công với cách mạng.

Hoạt động đó đã góp phần cùng ngân sách nhà nước tổ chức thực hiện tốt phong trào chăm sóc đời sống người có công, đặc biệt là công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ neo đơn. Các hoạt động của phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, từng bước thực hiện xã hội hóa các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" theo hướng "Nhà nước, cộng đồng và bản thân các đối tượng chính sách tự vươn lên".

Bên cạnh những việc đã làm được, việc chăm sóc người có công vẫn còn một số hạn chế. Công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng gặp nhiều khó khăn, nhất là về người làm chứng, người xác nhận, nên còn trường hợp tồn đọng, chưa xác nhận được. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách ở một số địa phương chưa được thường xuyên và sâu sát, nhất là những địa phương miền núi, nhân dân và đối tượng chưa nắm được hết thông tin.
 
Công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra. Cán bộ làm công tác Lao động- Thương binh và Xã hội ở cấp xã không có biên chế, chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc quản lý và thực hiện chế độ đối với người có công nhiều lúc còn chưa kịp thời, thiếu liên tục.

Vượt lên những khó khăn, toàn tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh việc  thực hiện chăm sóc người có công bởi, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bài, ảnh: Phương Trà

.