Trên hành trình gieo chữ

07:07, 07/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt mấy mươi năm ròng, dẫu trải qua nhiều gian khó, các thầy giáo, cô giáo vẫn ngày ngày cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Hạnh phúc khi học trò thành đạt  

Trong suốt 20 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Huỳnh Ngọc Hiếu Hòa (dạy Sinh học, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Mộ Đức) đã để lại tình cảm sâu đậm trong lớp lớp thế hệ học trò. Trải qua gian khó tưởng chừng không thể gượng dậy, song với tình yêu nghề, thầy Hòa vẫn ngày ngày hăng say bên con chữ, bên các thế hệ học trò thân yêu. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn năm 1994, thầy Hòa về công tác tại Trường THPT Tư Nghĩa II (Tư Nghĩa), sau đó chuyển về giảng dạy Trường THPT Trần Quang Diệu (Mộ Đức), rồi đến Trường THPT Phạm Văn Đồng.

 

 Thầy Hòa hướng dẫn cho con gái học tập.        Ảnh: T. PHƯƠNG
Thầy Hòa hướng dẫn cho con gái học tập. Ảnh: T. PHƯƠNG


Khó khăn nhất đối với thầy Hòa có lẽ là từ năm 2006. Sau lần bị tai nạn giao thông, thầy Hòa bị liệt cánh tay phải. Lớp lớp thế hệ học trò đã không ngăn nổi dòng nước mắt khi bàn tay của người thầy giáo đáng kính không thể lướt trên bục giảng. Ngày nào, thầy Hòa mua sách, vở tặng học trò. Nay trò lại mua vở, bút tặng lại thầy với lời động viên: “Thầy hãy cố gắng để tiếp tục đứng trên bục giảng. Các em cần lắm nhiệt huyết và tình yêu thương của thầy”.

Sau quãng thời gian dài kiên trì luyện tập, thầy Hòa đã có thể viết bằng tay trái. Ngày ấy, thầy Hòa dạy ở Trường THPT Trần Quang Diệu. Hình ảnh người thầy giáo lái xe bằng tay trái, vượt chặng đường hơn chục cây số đến trường giảng dạy khiến cho học trò không sao quên được. Với sự nỗ lực của bản thân, thầy Hòa vinh dự đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và được UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Riêng đối với môn Sinh học, nhiều học sinh của trường đạt kết quả cao, sát với thực lực. Thầy Hòa bộc bạch: “Đối với người thầy giáo không gì hạnh phúc bằng khi thấy học trò thành đạt. Môn Sinh vốn khó học, đến năm lớp 9 các em mới làm quen với phần bài tập nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.  Thầy luôn cố gắng để truyền đạt kiến thức cho các em một cách tốt nhất”.   

Nhà quản lý nhiệt huyết

Mỗi lần có dịp gặp thầy giáo Trương Quang Dũng-Hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1, câu chuyện giữa chúng tôi với thầy phần nhiều xoay quanh chủ đề giáo dục. Thầy giáo Dũng luôn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để công tác giáo dục đạt chất lượng. Ngày trước, khi còn là Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT), thầy Dũng luôn tìm tòi, hiến kế để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục THPT. Từ năm 2010, thầy Dũng được điều động về Trường THPT Tư Nghĩa 1, mái trường thầy đã từng gắn bó gần chục năm với cương vị giáo viên rồi đến phó hiệu trưởng nhà trường.

Trường THPT Tư Nghĩa 1 có truyền thống dạy tốt-học tốt, thuộc tốp đầu về chất lượng giáo dục trong khối các trường THPT. Hằng năm, tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ ĐH, CĐ nguyện vọng 1 đạt trên 40%. Thầy Dũng luôn nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành để trường giữ vững và phát huy truyền thống giảng dạy hết mình, chuyên cần học tập. Cũng nhờ đó mà 2 năm trở lại đây trường đứng tốp đầu trong tỉnh về số lượng thí sinh thi và đạt giải học sinh giỏi các cấp.

Cô giáo Lê Thị Kim Thuyết.                                    Ảnh: HỒNG HOA
Cô giáo Lê Thị Kim Thuyết. Ảnh: HỒNG HOA


Giống như thầy giáo Trương Quang Dũng, dù kinh qua nhiều công việc khác nhau, cô giáo Lê Thị Kim Thuyết (chuyên viên phụ trách bậc mầm non Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành) vẫn dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Trước khi về công tác ở Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành, cô giáo Thuyết dạy mầm non ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).

Cô Thuyết tâm sự: “Ngày mới đi dạy cuộc sống vất vả lắm. Lúc ấy bậc học mầm non do hợp tác xã trả lương chứ không thuộc phòng giáo dục như các bậc học khác. Tuy vậy, mỗi ngày được nhìn thấy các cháu, nỗi nhọc nhằn tan biến hết”.

Ngày trước, học sinh mầm non ở trường làng làm gì có đồ chơi. Thế nên mỗi lần ra đường cô giáo Thuyết nhặt những vật dụng có thể sử dụng, đem về rửa sạch, phơi khô rồi làm thành bộ bình ly, bông hoa... cho các cháu chơi. “Nhìn thấy các cháu mở to mắt, vui mừng trong mỗi lần có đồ chơi mới, lòng mình cảm thấy vui lây”, cô giáo Thuyết nhớ lại.

Giờ đây, dù không còn trực tiếp đứng lớp nhưng với vai trò là cán bộ quản lý bậc mầm non, cô giáo Thuyết vẫn luôn tìm tòi, truyền đạt phương pháp giảng dạy mới cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non.


TRỊNH PHƯƠNG - HỒNG HOA


.