Trao giải Báo chí quốc gia lần thứ V-2010

10:06, 21/06/2011
.

Tối nay (21/6), tại Hà Nội, giải Báo chí quốc gia lần thứ V - 2010 đã được trao cho 128 tác phẩm gồm 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C và 59 giải khuyến khích.

Đến dự lễ trao giải có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo nhiều Bộ, Ban, ngành đoàn thể; đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo những người làm báo.

 
Phát biểu tại lbuổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang chúc mừng đội ngũ những người làm báo nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Biểu dương những thành tựu báo chí đạt được, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, 86 năm qua, báo chí nước nhà ngày càng phát triển, trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kịp thời trong việc phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong học tập...; phê phán những sai trái, những việc làm không có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tuyên truyền đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu về đất nước và con người Việt Nam... Trong những thành tựu đó có sự đóng góp của các tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải hôm nay.

Đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá, chưa bao giờ báo chí, đội ngũ những người làm báo phát triển mạnh mẽ, hùng hậu như ngày nay, đồng thời, cũng yêu cầu báo chí triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đó là tích cực nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như các văn kiện của Đại hội, đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết, văn kiện, góp phần đưa Nghị quyết và các văn kiện vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, báo chí tăng cường tuyên truyền cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thực hiện Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội 2011, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các gương người tốt việc tốt, củng cố và tăng niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp Đổi mới, vào tương lai đất nước.

Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong đấu tranh, phòng chống tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tuyên truyền đấu tranh chống âm mưu và hành động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.

Báo chí cũng cần đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, nâng cao trình độ, chuyên môn để có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn nữa.

Đồng chí Trương Tấn Sang tin tưởng báo chí sẽ ngày càng phát triển nhanh, vững chắc, xứng đáng với sự mong đợi  của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết, giải Báo chí quốc gia lần thứ V có 1.321 tác phẩm tham dự. Trong đó, 128 tác phẩm đoạt giải với 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C và 59 giải khuyến khích.

Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép của báo in có 1 giải A thuộc về tác giả Nguyễn Đăng Lâm (Phân xã TTXVN tại Quảng Ngãi) với loạt bài “Lý Sơn – Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”.

Giải A còn lại thuộc thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí của báo in, của nhóm tác giả của Báo Lao Động với loạt bài về Vụ tổ chức cướp than động trời tại Quảng Ninh.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết, những tác phẩm đoạt giải, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải A thực sự là những tác phẩm chất lượng cao cả về nội dung và phương pháp thể hiện. Những tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia năm 2010 thực sự là những tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang ngày đêm đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Theo VGP

.