Ký ức mùa mưa lũ

09:11, 26/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Với những đứa trẻ sống ở nơi đầy nắng gió như miền Trung, trong phần ký ức của tuổi thơ luôn gắn bó với những ngày mưa lũ. Ở đó có cả những ngày tắm mưa, vọc nước vô tư, hồn nhiên. Và ở đó, có cả những mất mát đau thương…

TIN LIÊN QUAN

Bắt đầu lập đông, Quảng Ngãi lạnh và thường mưa dai dẳng. Có hôm lũ kéo về, đất trời âm u khiến hồn người man mác một nỗi buồn khó tả. Ký ức tuổi thơ hiện về trong bất chợt đến nỗi bản thân không tài nào giải thích.

Đi làm trên những cung đường vùng cao, tiết đông rõ nét hơn bao giờ hết. Mây trắng phủ lấy cả một ngọn núi sừng sững. Những ngôi nhà sàn của đồng bào chỉ còn lấp ló phần nóc. Ngoài đồng, mặc cái lạnh buốt như cứa da thịt, những đứa trẻ Sơn Hà không một mảnh che thân vẫn vui đùa hồn nhiên bên giếng nước nóng. Dọc đường nhiều đứa còn rủ nhau tắm mưa trước sân nhà. Tiếng cười vang cả khoảng trời rộng. Tôi thấy ở đó có một phần tuổi thơ của mình, ở nơi mình sinh ra.
 
Trẻ em ở Sơn Hà vui tắm ngày mưa.
Trẻ em ở Sơn Hà vui tắm ngày mưa.


Xuân Yên quê tôi, ở Bình Hiệp (huyện Bình Sơn), cái tên làng gửi gắm ước vọng của người dân, tựa hồ là yên bình của mùa xuân, nhưng cuộc sống vẫn còn cơ cực lắm. Đó là một vùng trung du, vừa có núi Võ, vừa có ruộng đồng.

Những đêm dài nằm nghe mưa trút lên mái tôn “tí tách” lại nhớ về mùa lũ đã xưa, cũng rơi vào đúng dịp bão tố nối nhau đổ bộ vào đất liền. Cả thôn như một “ốc đảo” chìm trong bốn bề toàn nước.

Thời đó, nhà tôi tọa lạc ở khu vực cao nhất của "ốc đảo" nên không phải chạy lũ. Còn những hộ xung quanh thì trắng đêm di tản. Ngôi nhà nhỏ ở cái xóm nghèo biến thành “nhà trọ” để bà con ở nhờ. Dăm ba con bò, con trâu cột trước sân; mười mấy người tụ túm lại một chỗ. Nhếch nhác là đặc trưng mùa nước lớn. Chỉ có những ngày khó khăn như thế, tình làng nghĩa xóm bền chặt hơn bao giờ hết.

Người góp gạo, kẻ góp cá tôm bắt được ngoài ruộng… nấu ăn chung. Cái nồi đất trên bếp lửa hồng phả một mùi thơm nồng của cá kho nghệ mà mẹ tôi nấu, khiến ruột gan ai nấy cồn cào thêm vì đói. Mâm cơm nhỏ bày ra dưới nền đất, phút chốc vơi đến đáy, mẹ phải nấu lại lần hai mới đủ ăn.

 

Với những đứa trẻ sinh ra ở vùng rốn lũ thì đây là chiếc thuyền lý tưởng.
Với những đứa trẻ sinh ra ở vùng rốn lũ thì đây là chiếc thuyền lý tưởng. Ảnh: Internet.

Mùa lũ còn có cả tá thú vui dân dã khác như trò chặt chuối cây làm bè, gấp thuyền giấy thả trôi, vọc nước, tắm mưa… Tôi vẫn nhớ đinh ninh trò chơi lấy “baxi” tập bơi. Cái “baxi”- ruột xe ô tô mà ba xin từ cậu ở thành phố đem về, chúng tôi đem ra ngụp lặn đến khàn cổ, đau đầu vì nước bạc… những ký ức trong tâm khảm hiện về rõ mồn một.

Con đường đất đỏ nhão nhẹt, bùn ngập tới gối vào mùa mưa vẫn còn đó, chỉ khác bây giờ đã phủ lên mình lớp bê tông mới cóng. Ngày ấy, bọn trẻ trong thôn phải vất vả nhấc từng bước qua những đoạn như thế để được đến trường. Thi thoảng phải đu bám trên vai cha như chú khỉ con để qua đoạn nước lụt còn dâng ngang cổ người lớn. Hình ảnh mẹ đứng đợi con ở đầu làng trong bộ cánh mưa rách nhiều chỗ, mặc cho mưa gió cứ phả tới tấp vào người hiện nguyên trong “tủ” yêu thương chất chứa nơi cõi lòng.

Đối với tôi, lũ còn hung hãn lắm. Lũ đã cướp đi đứa em họ- một người bạn chân thành, thân thiết ở cái độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của mình. Đến giờ, đó vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Mỗi khi rong ruổi ngang qua chỗ đó, tôi lại đứng tần ngần trò chuyện với thinh không và hi vọng rằng, em tôi nghe thấy.

Trẻ quê được nuôi nấng và trưởng thành từ những điều giản dị nhất của mùa mưa lũ. Và nó được trân quý theo cách riêng của mỗi người. Đối với tôi, đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu.


Gia Nghi
 


.