Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng

10:13, 22/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhận thức rõ sẽ góp phần giúp cán bộ, đảng viên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chi bộ Trường THPT Trà Bồng tổ chức lễ kết nạp đảng viên là học sinh. 
Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Chi bộ Trường THPT Trà Bồng tổ chức lễ kết nạp đảng viên là học sinh. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG

Vì lợi ích của nhân dân

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền. Đảng xây dựng và sử dụng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân để hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước xây dựng CNXH. Để cầm quyền tốt, Đảng luôn nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn, song, nguy cơ của Đảng cầm quyền vẫn luôn hiện hữu. Trước hết là những căn bệnh nội tại nguy hiểm như quan liêu, tham nhũng, tiêu cực do “cá nhân chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm” nảy sinh. Kế đến là sự chống phá của các lực lượng thù địch hòng xóa vai cầm quyền của Đảng. Vì thế, năng lực cầm quyền của Đảng luôn phải được nhận thức đúng, đặt trong mối quan hệ gắn bó, thống nhất với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Từ Đại hội XI (2011), Đảng ta xác định mục tiêu xây dựng xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện rõ nhu cầu, lợi ích của nhân dân, dân tộc Việt Nam, nhờ đó tạo được sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa Đảng và nhân dân.

Việc Đảng lãnh đạo đưa nội dung “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước” vào Điều 4 Hiến pháp, khẳng định về mặt pháp lý cao nhất quyền và trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước. Đảng xác định và kiên trì thực hiện được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đảng chỉ đạo tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào chương trình xây dựng luật pháp, biến mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng thành các quy phạm pháp luật và tổ chức cho nhân dân thực hiện.

Ở tầm vĩ mô, năng lực của Đảng thể hiện ở vai trò của Đảng đoàn Quốc hội, của các đảng viên là đại biểu Quốc hội. Vừa là người của Đảng, vừa là đại biểu của dân, họ phải đủ sức gánh trên vai hai trọng trách “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Không chỉ có trí tuệ, họ phải đủ bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám đổi mới và dám đấu tranh để gạt bỏ được những bất hợp lý, những biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong xây dựng luật pháp, trong quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Đảng định hướng được việc xây dựng, củng cố, sắp xếp, đổi mới bộ máy hành pháp, tư pháp, lập pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và kiểm soát được đạo đức, lối sống, hành vi trong thực thi công vụ của họ.

Kế thừa và đổi mới

Đảng kiên quyết và kiên trì đổi mới trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo trong lịch sử, đồng thời thường xuyên tìm tòi nghiên cứu, từng bước tìm ra cách thức, biện pháp, hình thức, lề lối lãnh đạo mới. Đảng xóa bỏ tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo. Ở đâu có hoạt động của nhân dân, ở đó phải có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp qua hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, hoặc gián tiếp thông qua pháp luật nhà nước. Đảng chủ động thực hiện, đồng thời xây dựng được quy chế phối hợp trong hệ thống chính trị để thực hiện đồng bộ cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Đó là đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực, trình độ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đúng với yêu cầu về tư cách người đảng viên cộng sản. Đồng thời, toàn bộ những tiêu chí đó phải được thể hiện qua thực tiễn, qua thái độ, trách nhiệm và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, xác lập và nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân. Những tiến bộ vượt bậc trong chất lượng cán bộ, những thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới do nhiều nỗ lực cống hiến của đội ngũ cán bộ phản ánh rõ nét năng lực cầm quyền của Đảng. Đồng thời, những bất cập, yếu kém, khuyết điểm, sai phạm của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành cần phải chỉnh đốn, loại trừ.

Tăng cường kỷ luật trong Đảng

Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động nắm bắt thông tin, nhất là với những thông tin về dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, qua đó xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát kịp thời, toàn diện. Đội ngũ cán bộ kiểm tra giỏi về chuyên môn, có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm và có bản lĩnh trong đấu tranh với những sai phạm; làm rõ được ưu điểm, hạn chế, mức độ và phạm vi trách nhiệm tổ chức đảng và đảng viên. Thi hành kỷ luật đảng nghiêm minh, đúng người, đúng việc. Kỷ cương, kỷ luật đảng được tăng cường. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả rõ nét. Các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống từng bước được ngăn chặn.

Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phối hợp các lực lượng toàn hệ thống chính trị tổ chức đấu tranh hiệu quả; vạch trần các quan điểm thù địch, sai trái, ngăn chặn, xử lý các hành vi chống phá; bóc dỡ, xoá bỏ các tổ chức phản động. Hiệu quả cuối cùng là giữ vững được sự ổn định về tư tưởng, chính trị trong Đảng và xã hội.

Thời gian qua, những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, về niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, về sự tăng thêm uy tín của Đảng, của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là tiêu chí đánh giá có sức thuyết phục nhất khẳng định năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Nó thể hiện mối quan hệ giữa năng lực nói và làm, giữa nghị quyết và hành động thực tiễn của mỗi tổ chức đảng và đảng viên. Qua 94 năm xây dựng, 79 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện được năng lực và uy tín trước nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Mục tiêu XHCN vẫn ở phía trước, xác định rõ các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng sẽ là một gợi mở, để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng vững vàng hơn trong công cuộc xây dựng  nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TS TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:13, 22/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.