Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19: Tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành

17:34, 13/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều lần giãn tiến độ, mới đây, chủ đầu tư dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 cam kết đến cuối năm 2024 sẽ đưa nhà máy đi vào vận hành. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành chức năng tăng cường giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động đúng thời gian cam kết.

 

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Theo Công ty CP Bột - Giấy VNT19, chủ đầu tư dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, đến thời điểm hiện tại, tiến độ  tổng thể dự án đạt 75%. Trong đó, một số hạng mục tiến độ đạt cao như đền bù giải phóng mặt bằng (đạt 95%); thiết kế (95%); mua sắm thiết bị (76%); bảo dưỡng sửa chữa (80%); xây dựng (85%)... Hiện nay, các chuyên gia cung cấp thiết bị đã có mặt tại nhà máy để triển khai lắp đặt thiết bị và khoảng 70% dây chuyền, thiết bị lắp đặt xong.

Các kỹ sư và công nhân lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19.    
Các kỹ sư và công nhân lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19.    

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, mua sắm thiết bị, xây dựng các hạng mục; phấn đấu trong tháng 6/2024 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị để vận hành thử nhà máy. Quá trình chạy thử cũng thực hiện trên từng hạng mục dự án. Cụ thể là: Tháng 6/2024 đóng điện; tháng 9/2024 vận hành phân xưởng nước khử khoáng, tổ máy phát điện tuabin hơi TGI, phân xưởng chưng bốc, phân xưởng lò hơi thu hồi; tháng 10/2024 vận hành thử phân xưởng sấy. Đến tháng 12/2024 sẽ vận hành hệ thống điều khiển phân tán DSC, vận hành sản xuất sản phẩm bột giấy thành phẩm.

Tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải

Chủ đầu tư hiện đã ký hợp đồng với nhà thầu AQUAFLOW - Phần Lan thực hiện thiết kế, mua sắm, chế tạo và giám sát lắp đặt thiết bị, vận hành chạy thử và bàn giao phân xưởng xử lý nước thải của Nhà máy Bột - Giấy VNT19. Công tác thiết kế chi tiết đã hoàn thành 80%; công tác mua sắm, sản xuất chế tạo, cung cấp thiết bị đạt 30%. Nhà thầu đã chế tạo xong một số thiết bị và đang vận chuyển về Việt Nam. Chuyến hàng thiết bị đầu tiên về công trường vào tháng 3/2023, chuyến cuối cùng là tháng 7/2023. Về công tác xây dựng, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công  đã được thẩm tra, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu thi công đạt 30%, dự kiến hoàn thành lắp đặt thiết bị và bắt đầu chạy thử nghiệm dự kiến vào tháng 12/2023.

Đối với hạng mục trạm bơm và tuyến đường ống xả nước thải đã xử lý ra biển, công ty đã hoàn thành 100% thiết kế bản vẽ, được Bộ Xây dựng thẩm tra. Hiện tại đã ký hợp đồng khảo sát, thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt tuyến đường ống. Dự kiến toàn bộ tuyến đường ống sẽ xây dựng lắp đặt trong vòng 12 tháng sau khi được cấp phép xây dựng.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng phân xưởng xử lý nước thải và tuyến ống xả nước thải đã xử lý. Tuy nhiên, việc triển khai gặp khó khăn do một bộ phận người dân chưa đồng thuận. Chủ đầu tư cũng đã công khai cho người dân trong vùng dự án các văn bản pháp lý để triển khai các hạng mục này. Trong đó có Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT ngày 7/9/2015 của Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. Căn cứ vào quyết định này, thì hướng tuyến thoát nước thải của nhà máy từ khu vực xử lý nước thải đi dọc theo tuyến đường vào nhà máy, qua đường Võ Văn Kiệt, vòng ra phía nam ngoài ranh giới mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hướng ra biển tại vịnh Việt Thanh. Hướng tuyến này cũng đã được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 752/UBND-CNXD ngày 19/2/2016. 

Công ty CP Bột - Giấy VNT19 cũng đã phối hợp với UBND huyện Bình Sơn và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải và tuyến đường ống xả thải của dự án, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và người dân khu vực triển khai dự án. UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức tham vấn cộng đồng với sự tham gia của các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương, người dân các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Hải và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn. Buổi tham vấn được tổ chức đúng trình tự, công khai, dân chủ và tại đây cũng ghi nhận một số ý kiến của người dân, cơ quan, tổ chức, để công ty tiếp tục hoàn thiện dự án.

Nhà máy Bột - Giấy VNT19 có công suất 350 nghìn tấn/năm. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ. Cùng với đó là, tăng thu cho ngân sách tỉnh bình quân mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động địa phương. Trong quá trình xây dựng, công ty đã được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng chủ đầu tư dự án, đưa ra các chỉ đạo, hướng dẫn để khi nhà máy đi vào hoạt động đạt hiệu quả, an toàn và đảm bảo các yếu tố về môi trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã kiểm tra thực tế tại Nhà máy Bột - Giấy VNT19. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư, xây dựng nhà máy, đảm bảo dự án triển khai đúng quy mô, thiết kế. Đồng thời, xác định các vấn đề còn tồn đọng để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Ngành chức năng và chính quyền cần tăng cường giám sát, để hạn chế những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng, vận hành sản xuất. Nhà đầu tư cần chủ động bám sát, phối hợp với địa phương, sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo thi công, vận hành đúng quy trình, an toàn cho môi trường.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.