Lạm phát không thể vượt 7% trong năm nay

05:11, 09/11/2009
.

Lạm phát trong năm nay sẽ chỉ ở mức dưới 7%, một tín hiệu đáng mừng. Song không ít căn nguyên của sự giữ giá này có thể khiến dư luận lo ngại.

Dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm nay sẽ chỉ ở mức 6,7%, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã khẳng định một cách chắc chắn rằng: đừng lo lạm phát trong năm nay.
 
 
Theo quan điểm của ông Nghĩa, có rất nhiều yếu tố khiến lạm phát không thể tăng cao như dự báo của không ít chuyên gia kinh tế đưa ra cách đây chưa lâu.

“Giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong thời gian qua đã giảm khá nhiều, trong khi nhóm hàng này chiếm tới gần 43% trong rổ hàng hóa tính CPI. Giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới cũng không tăng lên. Giá dầu cũng đã có lúc lên trên 80 USD/thùng, song lại giảm xuống. Giá sắt thép... cũng giảm. Điều đó có nghĩa rằng, sẽ không có chuyện nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam”, ông Nghĩa phân tích và cho rằng, một yếu tố quan trọng khác khiến lạm phát không đáng lo ngay cả khi tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 35%, đó là hàng tồn kho lớn.

Theo thông tin từ ông Nghĩa, hàng tồn kho đang ở mức khá cao, khoảng 5,4% GDP. Tồn kho lớn là một trong những nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng không thể tăng cao như kỳ vọng và vì vậy, khó có khả năng xảy ra tái lạm phát trong năm nay.

Trên thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI của tháng 10/2009 chỉ tăng 4,49% so với tháng 12/2008 và vì thế, khả năng tốc độ CPI trong năm nay vượt con số 7% là điều gần như không thể.

Lạm phát ở mức dưới một con số ngay trong năm 2009, sau khi tăng tới gần 19% trong năm 2008 là một điều đáng mừng, chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã thực hiện. Song, phía sau tín hiệu đáng mừng đó, có lẽ vẫn còn nhiều điều đáng bàn và đáng lo.

Có lẽ, cũng cần nhắc lại rằng, ngay sau khi tốc độ tăng CPI của tháng 10/2009 được công bố, theo đó chỉ tăng 0,37% so với tháng trước, trong khi trong tháng 9, CPI tăng tới 0,62%, không ít chuyên gia kinh tế đã tỏ ra bất ngờ. Rất nhiều nguyên nhân đã được nhắc tới, bao gồm cả việc đồng vốn kích cầu đã được sử dụng hiệu quả, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia không khỏi băn khoăn khi CPI của tháng 10 chỉ tăng thấp, trong khi thông thường, 3 tháng cuối năm là thời điểm giá cả các loại hàng hóa bắt đầu tăng cao. “Giá điện đã tăng, giá xăng tăng, tín dụng tung ra nhiều... Nghĩa là những yếu tố gây lạm phát là có thật, vậy vì sao CPI không tăng? Phải chăng là do hàng nhập lậu giá rẻ vào Việt Nam quá nhiều và vì thế, đã kéo mức tăng giá của hàng hóa trong nước xuống?”, ông Ân đặt câu hỏi.

Khó có thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi của ông Ân, bởi việc có được các số liệu thống kê một cách đầy đủ về hàng hóa nhập lậu, cũng như tác động của các loại hàng nhập lậu này đối với giá cả hàng hóa trong nước là rất khó khăn. Song rõ ràng, không phải không có lý, khi ông Ân đặt ra câu hỏi này.

Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, dư luận cũng đã luôn được nghe không ít thông tin về việc hàng hóa nhập lậu bán tràn lan trên thị trường, không chỉ là hàng tiêu dùng như đồ may mặc, mỹ phẩm..., mà còn cả gạo, gà. Thậm chí, những thông tin gần đây cho thấy, hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội thất Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, đánh bạt cả hàng sản xuất trong nước. Điều này, được cho là sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.

Xét trên khía cạnh này, con số mà ông Lê Xuân Nghĩa cung cấp về hàng tồn kho là rất đáng lưu tâm.

Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 10 tháng đầu năm vẫn tăng tới 10% (đã trừ yếu tố giá cả) so với cùng kỳ, nghĩa là cầu tiêu dùng hồi phục khá tốt, song hàng tồn kho vẫn lớn, thì rất có thể những dự báo ngay từ đầu năm của các chuyên gia kinh tế là có thật. Đó là chúng ta kích cầu tiêu dùng, song có thể lại “kích nhầm” cho hàng ngoại.

“Cả giai đoạn vừa rồi, chúng ta đã làm được một việc rất tốt, đó là duy trì sản xuất, việc làm bên trong hàng rào nhà máy. Nhưng hàng tồn kho vẫn còn lớn. Cần phải giải quyết vấn đề này, bởi nếu không bán được hàng, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, sẽ không tiếp tục đầu tư và kinh doanh nữa”, ông Nghĩa nói và cho rằng, đây là vấn đề đáng lưu tâm trong những tháng đầu năm tới.

Dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế đã dần trở nên rõ nét hơn, ít nhất là xét về lượng. Lạm phát cũng không đáng lo ngại, cho dù những yếu tố tiềm ẩn cho sự tăng giá vẫn còn lớn.

Nhưng rõ ràng, để nền kinh tế có thể phát triển ổn định hơn, các doanh nghiệp thực sự vượt qua được khó khăn, không thể không tăng cường các biện pháp ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam.

Cùng với đó, kích cầu tiêu dùng trong nước vẫn cần thiết phải thực hiện, mà một trong những biện pháp quan trọng là “cậy nhờ” vào quyền lực mềm của người tiêu dùng thông qua chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo VnMedia


.