Vượt lũ đến trường

09:01, 10/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa đông ở vùng cao khi những cơn lũ rừng bất chợt ùa về cũng là lúc hàng ngàn học sinh ở miền núi cao hối hả rủ nhau vượt lũ đến trường.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học xã Sơn Tinh (Sơn Tây) phân hiệu Xóm Viết, nơi đây có hàng trăm học sinh hằng ngày phải vượt suối để tìm con chữ. 8 giờ sáng một ngày mưa như trút nước, hàng trăm học sinh “ê, a” theo từng nhịp gõ của thầy cô trên tấm bảng đen. Không khó để chúng tôi nhận ra nhiều em bộ quần áo vẫn còn ướt sũng,  chân trần co ro trong tiết lạnh vì phải lội bộ đến trường.

Nụ cười hiền hậu, thầy Phạm Đình Thư- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để đến lớp, hơn 160 học sinh của 3 cấp học phải vượt qua đường lầy lội cả 3 km và lội qua suối Nước Kỉa. Mùa hè chẳng sao chứ mùa đông con suối như lòng chảo, nước chảy cuộn cuồn, tụi nhỏ đi học khó khăn vô cùng”.

 

Nhiều bậc phụ huynh phải vượt lũ cõng con đến trường
Vượt lũ cõng con đến trường


Cậu học trò Đinh Văn Tút (8 tuổi) học sinh lớp 3 đôi mắt to đen nháy, chân không có dép, bàn chân bé xíu chà sát xuống mặt sân trường gồ ghề cát sỏi là một trong những học sinh chăm chỉ đến lớp mỗi ngày.

Cậu bé cho hay, để đến trường em phải qua một con suối nước lớn lắm! Hôm nào trời mưa ba mẹ cũng bảo “năm giờ rưỡi rồi Tút ơi, đi học thôi”. Ba mẹ phải cõng em lội qua suối, qua hết con suối em tự đi bộ một mình tới lớp. Bữa nào nước suối lớn quá, ba mẹ không cõng qua được con đành ở nhà.

Ở cái nơi xa xôi hiểm trở, đường sá xa xôi này, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số và hầu hết hộ nghèo. Cha mẹ các em hằng ngày đi làm thuê làm mướn, lên nương lên rẫy kiếm cái ăn bởi thế cuộc sống rất khó khăn. Con cái họ lớn lên cũng đi nương, đi rẫy chứ không ai nghĩ đến chuyện cho con đi học.

Tuổi thơ các em đã chịu cảnh nghèo khó cùng với khó khăn về giao thông đi lại. Đặc biệt, vào mùa nước lũ về, nước chảy cuồn cuộn, phút chốc chiếc cầu treo chênh vênh bị nhấn chìm trong nước lũ. Đó cũng là lý do khiến con đường đến trường lắm nỗi gian nan.

Giờ tan trường, trên con đường nhầy nhụa, dốc đá thẳng đứng nối giữa xã Sơn Thượng và Sơn Tinh, Sơn Lập đoạn qua suối Nước Kỉa, chúng tôi gặp vài chục học sinh từ mầm non đến THCS đang ngồi chờ ba mẹ băng qua suối đến cõng về.

 

Đường
Dù đường đến trường khó khăn, vất vả, nhưng nhiều phụ huynh rất tâm huyết với việc học của con em.



Mùa lũ, suối Nước Kỉa đục ngầu chảy xiết cuồn cuộn chẳng khác nào con sông rộng lớn, đồng nghĩa với hàng trăm hộ dân chia chia cắt bởi con suối này. Với nhiều người dân sống nơi đây, đây là mùa họ kiếm được nhiều thức ăn từ thiên nhiên, song với các em học sinh, việc đến trường càng thêm vất vả. Không có cầu, vào mỗi mùa mưa lũ nước dâng cao, nhiều bậc phụ huynh tâm huyết với việc học của con em đành liều mình cõng con băng qua suối.

Hành trang mà các em mang theo đến lớp không chỉ là sách vở, dụng cụ học tập mà có cả “bộ quần” thứ 2 để thay sau mỗi lần lội suối: “Mùa đông, hôm nào tui cũng lấy bao ni lông mang theo cho cháu bộ đồ, sang bên kia suối lại tìm bụi cây để cháu thay đồ. Mình đã khổ phải cho con đến lớp kiếm cái chữ để sau này nó bớt khổ”- anh Đinh Văn Quỳnh ở thôn Nước Kỉa tâm sự.

Dù đã bước sang cái tuổi thập, nhưng với vai trò là già làng, ông Đinh Văn Viết, người được biết đến khi mang lúa nước về với đồng bào nơi đây, luôn dõi theo việc học của các cháu. Cụ vẫn chịu khổ, chịu khó cùng với các thầy cô giáo cõng các cháu qua suối để đến trường, vì ba mẹ chúng đi nương đi rẫy.

“Suối Nước Kỉa như lòng chảo, nhiều lúc nước thượng nguồn đổ về trở nên hung dữ, ở đây chuyện nước lớn cuốn người, xe máy là chuyện bình thường, nhưng rất may chưa có ai bỏ mạng vì được dân làng cứu vớt được. Dân ở đây rất mong một cây cầu để người dân bớt khổ mà việc học của các cháu cũng thuận lợi hơn”- già Viết chia sẻ.

Chia tay các em học sinh nơi đây, bên tai vẫn còn văng vẳng câu nói của thầy hiệu trưởng: “Giá như có một chiếc cầu thì vui biết bao! Phải vượt lũ đến trường vậy mà học sinh ở đây ít khi bỏ học lắm!”, khiến chúng tôi thấy ấm lòng giữa cái rét thấu xương nơi miền sơn cước. Những ngày cuối năm trời vùng cao càng lạnh cóng.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.