Hiểm họa từ pháo tự chế

15:54, 25/01/2024
.
(Báo Quảng Ngãi) Dịp tết Nguyên đán, có không ít thanh, thiếu niên sau khi tìm hiểu trên mạng xã hội đã mua các vật dụng về tự chế pháo nổ và sử dụng. Việc làm này tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật.

Chỉ tính từ đầu tháng 12/2023 đến nay, toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do pháo tự chế. Như ngày 21/12/2023 trên địa bàn huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã xảy ra vụ tự chế pháo nổ tại nhà, khiến em N.N.H (16 tuổi) bị bỏng nặng toàn thân. Hay trường hợp của một bé trai 12 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay, do pháo tự chế phát nổ. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra ngày 8/1/2024, 2 học sinh lớp 9 tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị thương tích nặng toàn thân khi cho bột lưu huỳnh vào máy xay để chế tạo pháo gây ra vụ nổ. Nguy hiểm là vậy nhưng những tai nạn thương tâm do pháo tự chế vẫn tái diễn hằng năm. Vào dịp giáp tết Nguyên đán, nhiều bệnh nhân lại nhập viện vì pháo nổ, đa số là học sinh bậc THCS, THPT.


Nguyên, vật liệu tự chế pháo nổ, pháo hoa không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ảnh: PV
Nguyên, vật liệu tự chế pháo nổ, pháo hoa không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ảnh: PV

Ngày 15/12/2023, Công an thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã phát hiện, bắt quả tang 1 học sinh trên địa bàn đang có hành vi tàng trữ pháo nổ mà bản thân tự chế tạo trái phép, thu giữ 20 quả pháo nổ tự chế và 1 bịch pháo bi (81 quả) tự chế với tổng trọng lượng 4kg. Học sinh này khai nhận, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng đã tự đặt mua hàng online kèm các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ với mục đích bán kiếm lời. Vừa qua trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cũng xuất hiện các vụ việc, các hành vi vi phạm pháp luật như học sinh tự chế pháo theo công thức trên mạng ở các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Phú.

Chỉ cần lên các trang mạng xã hội, gõ từ khóa liên quan đến chế tạo pháo nổ, hàng loạt tài khoản như “Pháo nổ”, “Cách làm pháo hoa”... lập tức xuất hiện với lời giới thiệu hấp dẫn về nguyên liệu chế tạo pháo, cùng các công thức làm pháo. Các trang bán hàng còn giới thiệu, chào bán các loại giấy làm thân pháo, dây cháy chậm, các túi thuốc pháo... Với giá từ 80 nghìn - 400 nghìn đồng cho số nguyên liệu này để làm ra các loại pháo nổ cỡ nhỏ, cỡ lớn, pháo hoa hay pháo dàn.

Tại nhóm kín có tên “Đam mê chế pháo” với hơn 55 nghìn thành viên, các thành viên còn chia sẻ cho nhau biết cách mua bán nguyên liệu nổ trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, thuốc nổ được rao bán “núp bóng” dưới các tên gọi khác nhau như: Phân bón lan đất cục, dây kẽm cuốn lan...

Theo Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 người, thu hơn 40 nghìn kílôgam pháo. Gần đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng công an phát hiện, xử lý thời gian qua, hầu hết đối tượng vi phạm đều là thanh, thiếu niên, học sinh.

Để hạn chế tình trạng này cũng như ngăn ngừa hậu quả xảy ra, các bậc cha mẹ học sinh và nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các em về hành vi vi phạm trên. Các bậc cha mẹ cần giám sát con em mình, tránh để xảy ra việc con em lén lút chế tạo pháo, nhất là thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo... Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1 - 5 năm, cao nhất từ 8 - 15 năm.

V.YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:54, 25/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.